Thông tư số 29/2020/TT-BYT đã chính thức có hiệu lực từ ngày 12/1/2021. Thông tư này bãi bỏ 28 văn bản và 1/2 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, trong đó có 8 văn bản liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo nghiên cứu của Viện kinh tế tính toán và động thái, Thông tư 29 giúp các doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 2,4 triệu ngày công và 625 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, Thông tư số 29/2020/TT-BYT đã sửa đổi một số điều của Thông tư số 18/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
TS Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Để xây dựng Thông tư này, Bộ Y tế đã rà soát hơn 547 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, để phát hiện các văn bản không còn phù hợp, đồng thời, chủ động thu thập, ghi nhận gần 200 phản ánh, kiến nghị của các các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực y tế. Trong quá trình xây dựng Thông tư, dự thảo đã được xin ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động của những thay đổi này và đã được cộng đồng các nước, các hiệp hội đánh giá cao.
Ông Quang cho biết thêm, cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, Thông tư 29 cho phép doanh nghiệp được nộp các hồ sơ, tài liệu bản điện tử, chưa đủ dấu và chữ ký nhưng cung cấp đường dẫn để cơ quan quản lý tra cứu trực tuyến và hậu kiểm, thể hiện một phương thức quản lý mới, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với những khó khăn chưa có tiền lệ do dịch bệnh. Việc xác thực hậu kiểm nhằm đảm bảo giải quyết nhanh chóng các loại thuốc phục vụ điều trị, đặc biệt là bệnh dịch nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu hậu kiểm mà giấy tờ không đảm bảo sẽ có các biện pháp xử lý nghiêm.
Liên quan tới lĩnh vực dược, Thông tư 29 bãi bỏ quy định chứng thực chữ ký, tên người ký, dấu cơ quan cấp. CPP (giấy chứng nhận sản phẩm dược) đã giúp hòa hợp quốc tế và đơn giản hóa giấy tờ, tài liệu 5.392 hồ sơ thuốc nước ngoài đã nộp theo quy định tại Thông tư 32 (từ 1/9/2019 đến nay).
Ông Nguyễn Tất Đạt- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, căn cứ theo số liệu thống kê hồ sơ đăng ký thuốc nước ngoài đã nộp trong 1 năm từ 1/1/2020 - 31/12/2020: Dự kiến khoảng 3.500 hồ sơ đăng ký thuốc nước ngoài mỗi năm được đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thông tư 29 cho phép doanh nghiệp được quyền công bố tá dược, thay cho trước đây ta dược nhập khẩu về Việt Nam phải có giấy phép nhập khẩu. Điều này giúp doanh nghiệp cắt giảm thời gian, nhân lực chuẩn bị cho 115.000 hồ sơ cấp phép nhập khẩu tá dược/năm do không phải làm hồ sơ cấp giầy phép nhập khẩu.
Theo TS Nguyễn Huy Quang, đây cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành một thông tư để sửa đổi, bãi bỏ một số lượng lớn các văn bản không còn phù hợp, tạo điều kiện cho người dân và góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hàng loạt doanh nghiệp.