Ngày 22/3, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp về việc xác minh và báo cáo trường hợp sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Trước đó, báo chí có đăng tải thông tin phản ánh về trường hợp sự cố y khoa dẫn đến tử vong sản phụ N.T.T.D. tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), người nhà bệnh nhân tố bệnh viện tắc trách.
Liên quan đến sự việc này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp kiểm tra, xác minh sự việc nêu trên và báo cáo nhanh về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em) trước ngày 27/3.
Đồng thời, chỉ đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười khẩn trương họp hội đồng chuyên môn (nếu bệnh viện không đủ điều kiện, thì Sở Y tế thành lập hội đồng chuyên môn) theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đánh giá quá trình tiếp đón, chăm sóc, xử trí đối với trường hợp sản phụ N.T.D.; thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông đại chúng; gặp gỡ chia sẻ, động viên tới gia đình sản phụ D.
Bộ Y tế cũng yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu phát hiện có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định hiện hành; báo cáo kết quả giải quyết vụ việc về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em) trước ngày 30/4/2024.
Tiếp tục chỉ đạo và chấn chỉnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa, sơ sinh và kế hoạch hóa gia đình nghiêm túc thực hiện theo Hướng dẫn quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 11/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.
Trước đó, theo báo cáo của Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười, hội đồng chuyên môn của bệnh viện xác định nguyên nhân tử vong do băng huyết sau sinh vì đờ tử cung (con lần 3 sinh thường) mất máu mức độ nặng, nhóm máu hiếm Rh.
Khi sản phụ có diễn biến nặng, bệnh viện đã huy động toàn lực cấp cứu bệnh nhân và nhân viên y tế có kinh nghiệm để hộ tống chuyển viện.
Ekip trực chưa giải thích cho sản phụ và gia đình trường hợp bệnh nhân có nhóm máu hiếm để hợp tác trong quá trình điều trị nên gây ra sự phản ứng. Bệnh diễn biến quá nhanh, lần đầu tiên cấp cứu bệnh nhân nhóm máu hiếm nên thiếu kinh nghiệm xử lý.