Chiến tranh đã qua gần nửa thập kỷ, nhưng hậu quả về đạn dược, bom mìn vẫn còn ngày ngày gây hiểm họa. Vụ nổ vừa xảy ra tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) gây hậu quả nghiêm trọng đã lại thêm một hồi chuông báo động, cảnh tỉnh. Điều mà người ta càng phải báo động hơn khi nguyên nhân tác động, gây ra nỗi đau lại do chính sự bất cẩn hay lòng tham của con người.
Vụ nổ tại trước cửa số nhà 15-TT19, khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội chiều 19/3 vừa qua đã gây hậu quả rất nghiêm trọng: 4 người chết, 10 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ bị vỡ kính, nứt tường, bung cửa; nhiều xe máy bị hư hỏng…Điều tra ban đầu của Cơ quan chức năng đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là những kim loại dùng để chế tạo bom; kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật Hình sự Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ là loại thường sử dụng để chế tạo bom mìn.Và như vậy, có cơ sở để cho rằng cái khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen rỉ, xung quanh bám đất màu vàng mà anh Phạm Văn Cường (SN 1975), quê ở thôn Nam Hùng, xã Nam Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định mua và dùng đèn khò cắt lấy sắt vụn để bán có thể là một quả bom.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, cả nước vẫn còn khoảng 6,6 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn (chiếm 20% diện tích cả nước), với hơn 800.000 tấn bom mìn sót lại. Bom mìn sau chiến tranh đã làm cho khoảng gần 50.000 người chết, hơn 60.000 người bị thương và con số này sẽ còn hơn nữa khi mỗi năm bom mìn đã làm cho khoảng 1.500 người chết, hơn 2.000 người bị thương. Đủ các dạng vụ việc gây ra, từ đi ra vườn vấp phải bom mìn, đào hố, cày cuốc va phải mìn cho đến cưa lấy thuốc nổ. Không ít hoàn cảnh tang thương khi cả gia đình là nạn nhân; không ít cựu binh đã kinh qua đủ các chiến trường, vào sinh ra tử, cuối cùng lại mất mạng chỉ vì chủ quan cưa quả rốc- két, quả bom tịt lấy thuốc nổ. Bom mìn do chiến tranh để lại cũng đủ dạng. Từ quả bom chưa nổ do máy bay Pháp, Mỹ ném xuống từ thời chiến tranh cho đến quả lựu đạn, những kho vũ khí do một cá nhân, tổ chức nào đó cất giấu. Trong khoảng 16 triệu tấn bom đạn đế quốc Mỹ đã sử dụng, ném xuống chiến trường Việt Nam vẫn còn không ít nằm sâu trong lòng đất. Trong đó, nhiều bom, mìn, đạn dược đã hỏng, bị vô hiệu hóa, nhưng cũng còn đó những bom mìn vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ phát nổ. Có những quả bom tạ, bom tấn mà nếu nổ thì sức công phá thật khó lường. Chuyện người dân nhiều nơi, thậm chí ngay ở Thủ đô khi đào móng nhà, đào giếng, làm các công trình phát hiện bom mìn đã là chuyện thường ngày.
Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 để huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, an toàn cho dân. Nhiều nơi trong cả nước, nhất là tại các địa bàn, điểm nóng như Quảng Trị đã được các đội rà phá bom mìn tìm kiếm, tháo gỡ. Mặc dù các đội rà phá bom mìn đã liên tục phát hiện, rà phá nhưng với những địa phương như Quảng Trị, dự kiến cũng phải vài ba trăm năm sau mới khắc phục được hết hậu quả này. Đồng thời, thực tế cũng như qua những vụ nổ như ở Hà Đông -Hà Nội vừa qua cho thấy, cần phải mở rộng, rà soát trên nhiều lĩnh vực. Người ta luôn luôn canh chừng, lo rà phá những quả bom ở nơi cánh đồng, hẻm núi vùng xa xôi, điểm nóng đâu đó, ai ngờ đến một quả bom nằm ngay trong nhà, trong một cửa hàng thu mua sắt vụn ở Thủ đô.
Đặc biệt lâu nay, có một tác nhân tiếp tay cho bom mìn cướp đi sinh mạng, gây hậu quả là sự thiếu ý thức, bất cẩn, nhiều khi là lòng tham, coi thường tính mạng của con người. Không ít vùng người dân đã tự ý đi rà soát, lấy đầu đạn về tháo lấy thuốc nổ. Bất cứ thứ gì có thể coi là “sắt vụn” người ta cũng tìm tòi, nhặt nhạnh để bán cho chủ thầu thu gom. Không ít nơi thu mua sắt vụn người ta cũng bất chấp, chủ quan, không hề nghĩ đến hậu quả từ bom, mìn.
Có thể nói, hậu quả bom mìn sau chiến tranh, nỗi đau hậu chiến vẫn tiếp diễn, còn lâu dài. Vấn đề luôn luôn phải đề cao cảnh giác, không thể chủ quan, có ý thức, cùng vào cuộc trong việc khắc phục hậu quả bom mìn. Cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân cảnh giác với bom mìn còn sót lại, những vật liệu nghi ngờ đều phải báo với chính quyền và cơ quan chức năng xử lý. Như vụ việc ở Hà Đông, nếu như ai đó phát hiện ra cái khối sắt kia, hoặc anh Phạm Văn Cường khi thu mua đề cao cảnh giác, cho rằng có thể đây là một quả bom thì chắc sẽ không dám liều, đùa giỡn với tính mạng của mình?