FBI đã chính thức nhận được chỉ thị điều tra hàng trăm nghìn bức email cá nhân mới được phát hiện được cho là có liên quan tới một server mà bà Hillary Clinton từng sử dụng. Vụ bê bối lật lại trong thời điểm chỉ còn chưa đầy 10 ngày là tới kỳ bầu cử Mỹ 2016.
Cuộc điều tra có thể kéo dài trong vài tháng là ẩn họa khó lường
đối với ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton (Nguồn: ABC News).
Giấy phép mà FBI nhận được hôm 31/10 cho phép cơ quan này điều tra khoảng 650.000 bức email được phát hiện trong máy tính cá nhân của cựu Thượng nghị sỹ Anthony Weiner mà có khả năng liên quan tới cả vợ ông, bà Huma Abedin, một cố vấn thân cận nhất của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Trong khoảng thời gian FBI điều tra cáo buộc tình dục của ông Weiner, bắt đầu từ ngày 22/9 năm ngoái, họ đã phát hiện các email cá nhân của bà Abedin trong máy tính cá nhân của ông này – với các dữ liệu ban đầu cho thấy rất nhiều email được gửi hoặc nhận thông qua server riêng của bà Clinton.
Giám đốc FBI James Comey đã quyết định cần phải lật lại vụ điều tra đã khép lại từ hồi tháng 7 vừa qua liên quan tới ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ông Comey đã biết về sự tồn tại các bức email trên kể từ giữa tháng này, và cuối cùng công khai trước dư luận Mỹ vào hôm thứ Năm tuần trước.
Bà Abedin trong hôm đầu tuần đã tuyên bố rằng bà không hề hay biết về sự tồn tại của các bức email của bản thân trên máy tính của chồng bà; theo CBS News. Hãng tin này dẫn một nguồn tin cho hay loạt email mới thuộc về ông Weiner, chứ không phải bà Abedin, người đã chính thức ly dị ông từ hồi đầu năm do bê bối tình ái của chồng.
Hiện, vị cố vấn lâu năm của bà Clinton được cho là đang hợp tác với cuộc điều tra của FBI và “dường như tỏ ra rất bất ngờ vì email của bà xuất hiện trong đó”- CBS cho biết.
Được biết, ông Comey đã thông báo trước sự việc cho giới chức chóp bu của Bộ Tư pháp trước khi gửi thư thông báo cho các nhà lập pháp ở Quốc hội hôm thứ Sáu tuần trước, nhưng không nhận được hồi đáp.
Thay vào đó, ông tự ý quyết tuyên bố rằng nên mở lại cuộc điều tra về bê bối email của bà Clinton, điều đi ngược lại cách thức bấy lâu của Bộ Tư pháp và FBI. Đây là điều chưa từng có tiền lệ ở nước Mỹ.
Quyết định bất ngờ của ông Comey được giới phê bình coi là bất thường bởi ở Mỹ, giới công tố viên thuộc Bộ Tư pháp cần phải xem xét các chứng cứ mà FBI phát hiện sau đó mới đưa ra quyết định có buộc tội hay không.
Trước đó, bản thân ông Comey cũng từng tạo ra tiền lệ trong lịch sử Mỹ khi trong tháng 7 vừa qua tuyên bố công khai rằng ông đề nghị không buộc tội bà Clinton trong vụ bê bối email.
Động thái của ông Comey đã khiến giới chính trị gia đảng Dân chủ hết sức phẫn nộ. Thủ lĩnh phe tiểu số ở Thượng viện Harry Reid nói trong một bức thư gửi tới ông Comey trong hôm cuối tuần trước rằng ông ta có thể đã vi phạm Đạo luật Hatch – đạo luật ngăn chặn các hoạt động chính trị của giới quan chức liên bang.
“Tôi đang viết để thông báo với ông rằng văn phòng của tôi thấy rằng các hành động của ông có thể đã vi phạm Đạo luật Hatch” – ông Reid có viết.
Sự kiện này được đánh giá là một đòn tấn công nặng nề đối với chiến dịch tranh cử của bà Clinton khi chỉ còn chưa đầy chục ngày nữa là tới ngày bầu cử Tổng thống 2016, dù rằng loạt email này được cho chỉ là các bản sao và có thể không liên quan gì tới bà. Vấn đề ở chỗ, do FBI tuyên bố về sự việc mà không hề công khai thêm thông tin, nên dư luận Mỹ tỏ ra rất hoang mang.
Ngay cả trong trường hợp FBI phát hiện được các bức email mới mang nội dung mật trong số này thì họ cũng cần phải tham vấn hàng loạt cơ quan khác do tính nhạy cảm thông tin và quá trình này có thể kéo dài tới hàng tháng. Điều này có nghĩa, quả “bom tấn” bê bối và ẩn họa của nó vẫn lơ lửng trên đầu bà Clinton trong suốt quá trình bầu cử sắp tới.
Trong một cuộc thăm dò lá phiếu được công bố hôm 30-10 do hãng ABC New/Washington Post thực hiện, bà Clinton đã bị đối thủ Doanld Trump rút ngắn khoảng cách, trong đó tỷ lệ ủng hộ bà Clinton là 46% trong khi Trump giành 45%.
Theo cuộc thăm dò này, 6/10 cử tri tham gia nói rằng thông tin về việc FBI lật lại cuộc điều tra bà Clinton không ảnh hưởng tới quyết định của họ, trong khi 3/10 nói rằng sự việc đã khiến cho sự ủng hộ mà họ dành cho bà Clinton ít đi.
Sự kiện FBI lật lại bê bối email cá nhân của bà Clinton khi chỉ còn chưa đầy 10 ngày là tới ngày bầu cử 8/11 đã cho thấy rằng bầu cử Mỹ luôn tràn ngập các yếu tố đầy bất ngờ, khó đoán, và lần này điều bất ngờ ấy lại có lợi cho người vốn yếu thế hơn trong cuộc bầu cử - ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ phải nói lời cảm ơn tới ông Anthony Weiner” – Trump nói châm chọc phía chiến dịch bà Clinton trong một sự kiện tổ chức tại Las Vegas hồi cuối tuần qua.