Mùa tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2024, Hà Nội vẫn giữ phương thức thi tuyển. Tuy nhiên, việc tổ chức thi tuyển 3 môn như năm trước hay có thêm môn thứ 4 vẫn chưa có thông tin chính thức.
3 hay 4 môn thi?
Dù học kỳ I năm học 2023- 2024 mới đi gần nửa chặng đường, nhưng với học sinh lớp 9, việc tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 đang là một mối quan tâm lớn. Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội mới chỉ công bố thông tin: “Năm học 2024 - 2025 đơn vị sẽ tiếp tục tuyển sinh theo phương thức thi tuyển”. Tuy nhiên, thi tuyển 3 hay 4 môn, thời điểm này học sinh vẫn chưa được biết. Sở GDĐT Hà Nội cũng cho hay, sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm thu hút để tuyển chọn được những học sinh giỏi, nâng cao chất lượng tuyển sinh vào các trường THPT. Ngoài ra, Sở GDĐT Hà Nội cũng sẽ chuẩn bị phương án tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025 - 2026 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Trên thực tế, nhiều năm nay, Hà Nội chủ trương thi tuyển 4 môn để tuyển sinh lớp 10, gồm 3 môn chốt từ đầu, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; môn thứ 4 là một trong số các môn còn lại, được Sở GDĐT tổ chức bốc thăm và công bố trong tháng 3. Mục đích tổ chức phương án này nhằm bảo đảm để học sinh học đều tất cả các môn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thi môn thứ 4 gây áp lực không cần thiết cho học sinh. Do đó, tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023-2024, Hà Nội đã buộc phải lấy ý kiến giáo viên về phương án thi, và cuối cùng đi đến quyết định tổ chức thi 3 môn, bỏ thi môn thứ 4.
Cô giáo Mỹ Phương - Trường THPT May Academy (Hà Nội) chia sẻ, không những học sinh, phụ huynh mà cả các giáo viên cũng đang “ngóng” phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2024. Phương án thi 3 hay 4 môn như hiện nay đang lệch pha với Chương trình GDPT 2018. Hà Nội công bố môn thi thứ 4 là môn nào cũng không phù hợp với đại đa số học sinh bởi lẽ khi lên lớp 10 THPT, học sinh sẽ học bắt buộc 4 môn và số còn lại là các môn tự chọn.
Còn theo ý kiến giáo viên các trường như THPT Ngô Thì Nhậm, THPT Thăng Long, THPT Việt Nam – Ba Lan… trong kỳ thi tuyển sinh năm 2024-2025, Hà Nội nên chốt 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn. Khi đó, học sinh có thể đăng ký môn thi thứ 4 là môn bất kỳ phù hợp với năng lực, sở trường. Cách làm như vậy sẽ giảm áp lực cho học sinh và phù hợp với Chương trình GDPT 2018.
Mong công bố sớm môn thi
Liên quan đến quy mô tuyển sinh lớp 10 THPT các năm tiếp theo, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho hay, dựa trên cơ sở dữ liệu ngành, dự báo trong 3 năm tới, số lượng học sinh lớp 9 trên địa bàn tốt nghiệp THPT tăng khoảng 29 nghìn em, tương đương khoảng 722 lớp. Cụ thể, năm học 2024-2025 dự kiến gần 135 nghìn học sinh, tăng hơn 5 nghìn học sinh so với năm học 2023-2024. Để giải quyết bài toán thiếu trường lớp trong thời gian tới, Hà Nội đã có kế hoạch xây mới, thành lập mới trường học giai đoạn 2021-2025. Nhưng với áp lực tăng hơn 5 nghìn học sinh THPT năm 2024- 2025 so với năm học 2023 - 2024, phương án thi tuyển vẫn là một áp lực lớn trong cuộc đua vào lớp 10 trường công Hà Nội.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, các trường học trên địa bàn đang triển khai nhiều giải pháp nhằm định hướng phân luồng, giúp các em sớm xác định rõ nguyện vọng phù hợp với năng lực bản thân. Đây cũng là giải pháp nhằm giúp các em giảm áp lực trước kỳ thi tuyển sinh. Theo đó, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập và khảo sát hàng tháng với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để kịp thời hỗ trợ học sinh, các nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin về các loại hình trường.
Ghi nhận từ nhiều học sinh lớp 9 khu vực nội thành và cả ngoại thành, các em có chung mong muốn được giảm tải, đó là năm 2024, tuyển sinh lớp 10 cũng chỉ thi 3 môn như lứa học sinh năm 2023. Em Nguyễn Phương Thảo - học sinh lớp 9, Trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân) mong muốn, Sở GDĐT chốt sớm phương án để học sinh yên tâm học tập, chủ động thời gian ôn luyện.