Theo thống kê của Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện trong tổng số hồ sơ người có công thì có tới 30-40% hồ sơ thuộc diện người bị nhiễm chất độc hóa học.
Điều này là bình thường nếu tất cả những bộ hồ sơ người có công bị nhiễm chất độc hóa học đều là thật cả về con người cũng như giấy tờ chứng nhận. Song, đáng tiếc là trong số đó có không ít những bộ hồ sơ giả, có không ít người không bị nhiễm chất độc hóa học vẫn xin xác nhận nhằm trục lợi từ chính sách của Nhà nước đối với người có công.
Tại Khoản 15, Điều 7, Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH (của liên Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH) quy định rối loạn tâm thần cũng là một trong 17 loại bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học. Theo đó, những người trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc con đẻ của họ được hội đồng y khoa giám định là bị rối loạn tâm thần do ảnh hưởng của chất độc hóa học thì sẽ được hưởng trợ cấp người có công và những chính sách ưu đãi khác.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, từ khi Thông tư liên tịch 20 có hiệu lực pháp luật thì tình trạng người bị rối loạn tâm thần tại các địa phương tăng đột biến. Có nhiều người đang khỏe mạnh bình thường bỗng lăn đùng ra mắc bệnh rối loạn tâm thần và phải nhập viện để điều trị, để rồi chỉ sau mươi mười lăm ngày xuất viện với bệnh án rối loạn tâm thần. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm đã có tới hàng chục nghìn trường hợp làm hồ sơ rối loạn tâm thần để hưởng trợ cấp ưu đãi người có công.
Bệnh viện Tâm thần Trung ương và một số bệnh viện tâm thần địa phương (chủ yếu là các tỉnh, thành Bắc Bộ và miền Trung) là những “địa chỉ tin cậy” để nhiều người ùn ùn kéo đến điều trị với triệu chứng lâm sàng là đau đầu, nhớ nhớ quên quên. Qua rà soát, Bệnh viện Tâm thần Trung ương đã phát hiện một số trường hợp từ huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) lên từng nhóm từ 2-5 người, cùng xin nằm viện điều trị, rồi sau khoảng 15 ngày cùng xin ra viện với bản sao bệnh án để làm hồ sơ giám định y khoa.
Theo lý giải của hội đồng y khoa một số địa phương thì việc xác định bệnh tâm thần là tương đối khó khăn, bởi thế hầu hết các trường hợp bỗng phát sinh “đau đầu”, “nhớ nhớ, quên quên”, cộng với việc đã nằm viện điều trị và có bệnh án rối loạn tâm thần thì hầu như được công nhận. Đó chính là lý do mà có những người đã xuất ngũ hàng mấy chục năm trời sống khỏe mạnh, nhưng khi có quy định rối loạn tâm thần cũng được hưởng trợ cấp người có công thì họ đột nhiên ngã bệnh. Hầu hết những trường hợp này khi được hỏi về bệnh tình đều có một bài trả lời giống nhau: Đau đầu, lúc nhớ, lúc quên...
Đỉnh điểm của việc “bỗng dưng bị tâm thần” là có địa phương với nhiều đối tượng đều xin giám định... tâm thần. Lạ một điều là dù bị tâm thần, nhưng những đối tượng này vẫn hàng ngày xử lý công việc bình thường. Con của một số người từng tham gia chiến đấu được giám định là thiểu năng trí tuệ vẫn lập gia đình, sinh con đẻ cái bình thường, nhiều trường hợp còn có thể đi xuất khẩu lao động. Trong khi ai cũng biết để được đi xuất khẩu lao động phải trải qua việc khám sức khỏe kỹ lưỡng đến thế nào.
Đó chính là lý do nguồn quỹ trợ cấp người có công tại nhiều địa phương mấy năm qua tăng đột biến vì phải chi trả thêm cho hàng chục nghìn trường hợp có hồ sơ giám định y khoa xác định rối loạn tâm thần do ảnh hưởng chất độc hóa học. Tất nhiên, “trăm dâu đổ đầu tằm”, khi mà nguồn quỹ của địa phương bị quá tải không thể chi trả nữa thì Trung ương sẽ phải gánh vác hoặc hỗ trợ. Nếu sự đền đáp nghĩa tình đó là đúng đối tượng thì chẳng có gì để nói, song đáng tiếc là rất nhiều trường hợp trong số đó lại đang trục lợi từ chính sách của Nhà nước.
Đây không phải là lần đầu tiên nhiều người cố tình lợi dụng khe hở của pháp luật để trục lợi. Trong những năm qua, ngành LĐTB&XH từ Trung ương đến địa phương cũng đã phát hiện rất nhiều trường hợp làm giả hồ sơ thương bệnh binh để hưởng trợ cấp người có công. Cũng đã có một số trường hợp bị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử về những hành vi làm giả hồ sơ thương binh, liệt sĩ để trục lợi. Song, có vẻ như vẫn chưa đủ sức răn đe đối với không ít người đã, đang và sẽ có ý định làm giả hồ sơ người có công.
Trở lại câu chuyện hàng chục nghìn trường hợp đổ xô đi làm hồ sơ giám định y khoa rối loạn tâm thần để hưởng trợ cấp người có công. Sẽ không ai có thể lợi dụng quy định của Thông tư liên tịch 20 để trục lợi nếu hội đồng y khoa tại các địa phương thực sự làm hết trách nhiệm. Càng không thể có người nào “vô cớ” được hưởng trợ cấp người có công nếu các bệnh viện tâm thần thực hiện đúng chức năng chuyên môn cùng mình. Việc trục lợi chỉ có thể chấm dứt khi đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện tâm thần, tại các hội đồng giám định y khoa không dung túng, tiếp tay, thậm chí “nhấm nháy” tiêu cực với những người bỗng dưng bị tâm thần.