Nguyễn Thị Oanh thực sự là người đặc biệt của TTVN khi đã phải trải qua những năm dài đằng đẵng với bao khó khăn, thách thức, đau đớn, bệnh tật đòi hỏi một nghị lực phi thường mới có thể vượt qua để có được thành tích 3 tấm huy chương Vàng và 1 kỷ lục SEA Games, được bầu chọn là vận động viên tiêu biểu nhất của Thể thao Việt Nam năm 2019. Nguyễn Thị Oanh, cô gái đặc biệt của điền kinh Việt Nam đã làm được điều đó để chiến thắng bản thân và trở thành cô gái truyền cảm hứng mãnh liệt nhất thể thao Việt Nam.
Từ đam mê đến thành hiện tượng
Nguyễn Thị Oanh là một trong những “hiện tượng” đặc biệt hiếm hoi của bộ môn điền kinh với chiều cao chỉ khoảng 1,5 m nhưng lại chọn thi đấu ở những nội dung gian khó. Sinh năm 1995 tại xã Mỹ Hà (Lạng Giang) - từ nhỏ Nguyễn Thị Oanh đã làm quen với đường chạy và sớm khẳng định tài năng tại Giải việt dã truyền thống báo Bắc Giang. Cô gái nhỏ nhắn có biệt danh “ốc tiêu” sinh ra trong gia đình mà bố mẹ là nông dân và có tới 7 anh chị em.
Khi là một cô học sinh bình thường, niềm đam mê thể thao đã được phát huy từ những giờ thể dục và nổi trội lên khả năng chạy bền để rồi từ đó cô được đi tham gia các giải việt dã các cấp từ trường lên xã. Khả năng của Oanh đã được các thầy cô trong trường năng khiếu tỉnh Bắc Giang để ý tuyển chọn rèn luyện và thi đấu các giải quốc gia.
Những thành công từ các giải từ hệ thống giải trẻ và vô địch quốc gia đã giúp cô được tuyển chọn lên tuyển quốc gia tham gia các giải quốc tế. Đến với điền kinh đơn giản chỉ vì đam mê cộng với tính cách năng động phù hợp với môn thể thao này. Nhưng việc tìm thấy niềm vui từ bạn bè, anh chị em trong đội tuyển đã giúp Oanh vượt qua những khó khăn để liên tiếp tạo những dấu ấn. Ẩn sau thân hình nhỏ bé của Oanh là một nghị lực phi thường.
Sau Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014, Oanh phát hiện bị viêm cầu thận khiến kế hoạch luyện tập, thi đấu phải tạm dừng. Bằng ý chí mạnh mẽ và sự động viên từ người thân, đồng đội, Oanh đã vượt qua khó khăn để giành lại cơ hội tiếp tục gắn bó với đường chạy. Không những thế, cô còn trở lại mạnh mẽ kể từ cuối năm 2015 đến nay.
Trong đó, trước khi lập cú đúp Vàng tại SEA Games 29, Oanh liên tiếp lên ngôi vô địch nội dung chạy 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật ở những giải đấu hàng đầu như: Vô địch quốc gia, điền kinh quốc tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mở rộng. Tại SEA Games 30, với phong độ cực kỳ ổn định, Nguyễn Thị Oanh đã vượt qua điều kiện thi đấu khắc nghiệt, những đối thủ đáng gờm để làm nên một kỳ SEA Games đáng nhớ nhất cho bản thân cũng như điền kinh Việt Nam.
Cô giành HCV đầu tiên ở cự ly 1.500m với thời gian 4 phút 17 giây 31. Đặc biệt, trong ngày cuối cùng của Đại hội, Nguyễn Thị Oanh thi đấu bùng nổ đoạt HCV 5.000m với thời gian 16 phút 45 giây 98, sau đó gây sốc trên đường đua cự ly 3.000m vượt rào nữ. Với 10 phút 00 giây 02, tuyển thủ Việt Nam phá luôn kỷ lục của Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Hai tấm HCV của cô trong cùng một ngày; sáng chạy nội dung 5.000m và chiều thi đấu tiếp ở nội dung cực khó, 3.000m vượt rào. Những thành tích đó đã giúp cô xuất sắc “đánh bại” kình ngư Ánh Viên, Huy Hoàng để trở thành vận động viên tiêu biểu nhất của thể thao Việt Nam năm 2019.
Cô xứng đáng được gọi là “Người không phổi”, bởi bên trong cô gái có dáng người nhỏ nhắn là nội lực phi thường.
Nghị lực phi thường của ốc tiêu”
Để có được thành tích 3 tấm HCV và 1 kỷ lục SEA Games 30, được bầu chọn là vận động viên tiêu biểu nhất của Thể thao Việt Nam năm 2019, cô gái bé nhỏ Nguyễn Thị Oanh đã phải trải qua những năm dài đằng đẵng với bao khó khăn, thách thức, đau đớn, bệnh tật đòi hỏi một nghị lực phi thường mới có thể vượt qua.
Với Oanh thì càng khó khăn bởi khi đó cô đang căng đầy tuổi trẻ với bao khát vọng bỗng dưng phải nằm một chỗ chữa bệnh đã khiến cô vừa sốc vừa lo tương lai phía trước bởi cánh cửa chinh phục thể thao có thể đóng lại với mình.
“Trong chặng đường thể thao, tôi gặp nhiều khó khăn biến cố, thời gian bị bệnh thận thực sự là khủng hoảng vì căn bệnh rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến thể thao. Tôi bị cấm vận động trong vòng 3 tháng để tập trung điều trị, kể cả những hoạt động nhẹ nhàng cũng gần như phải hạn chế. Lúc đó cơ thể tôi không như bây giờ, các sợi cơ bị teo lại, người bị phù từ trên vai hất lên phần đầu. Tôi nghĩ chắc mình không tập lại được nữa vì sức khỏe hạn chế như vậy, sinh hoạt bình thường còn khó khăn’’, Nguyễn Thị Oanh nhớ lại. Với nghị lực phi thường, khi sức khỏe ổn định, Oanh bắt tay vào tập luyện giữa năm 2015. Chưa đầy 3 năm, cô tỏa sáng rực rỡ theo cách của mình.
Bệnh tật còn ám ảnh cô thêm một lần trước khi tạo nên thành tích ấn tượng tại SEA Games 30. Ba tấm Huy chương vàng SEA Games 30 rất đáng nhớ với cô bởi trước đó cô đã gặp rắc rối lớn từ việc bị mất ngủ triền miên. “Càng về sau này áp lực giải đấu càng gần, tôi suy nghĩ nhiều hơn áp lực nặng hơn. Đến giờ khi nghĩ tôi vẫn kinh hoàng khi có những đêm nằm trách bản thân’’, Nguyễn Thị Oanh nhớ lại.
Tại SEA Games 29, Nguyễn Thị Oanh đã mang về tấm huy chương danh giá cho thể thao nước nhà. Cô gái nhỏ bé của Việt Nam gục xuống, gần như ngất đi sau khi về đích. Thế nhưng, Nguyễn Thị Oanh đã đứng dậy, giúp đỡ một đồng đội khác đang nằm sân.
“Sau khi bứt tốc về đích dành Huy chương vàng tôi hay quay lại nhìn đồng đội của mình để cổ vũ, thấy Huệ bị ngã xuống tôi không nghĩ được gì nhiều tiến đến và sốc bạn lên bởi tôi rất lo lắng với cường độ vận động lớn nếu nằm lâu dễ bị ngất vì nhịp tim đang đập mạnh. Tôi cần phải đưa bạn đứng dậy đi lại để nhịp tim trở về bình thường hồi phục nhanh. Khoảnh khắc tôi tưởng là đơn giản ấy được truyền thông ghi lại và được nhận giải ‘’Hình ảnh ấn tượng của năm’’. Thật ra tôi cũng không nghĩ mình truyền cảm hứng và lay động nhiều người như vậy. Nó chỉ là hành động rất bình thường trong thể thao và nếu bất cứ VĐV nào khác đứng ở vị trí của tôi gặp tình huống như vậy cũng sẽ trở lại đỡ đồng đội mình lên thôi”, Oanh nói.
Mỗi VĐV đều phải có những ước mơ, những nguyện vọng khác nhau, nhưng với Oanh thì cô luôn muốn chinh phục những đỉnh cao hơn nữa, không cho phép bản thân dừng lại những gì mình đã đạt được. Không muốn chỉ dừng lại ở trong Đông Nam Á mà phải tiến xa ở Châu Á và nếu được là Olympic thì đó là niềm mơ ước lớn nhất của cô bé “ốc tiêu”.
Năm 2021 sẽ diễn ra Olympic, tuy nhiên với điền kinh Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa với các nước trên thế giới nhưng nếu có cơ hội được tham dự một kỳ thế vận hội lớn Oanh cho biết sẽ nỗ lực hết khả năng để được làm một điều gì đó cho bản thân và thỏa đam mê.