Miền Bắc đã bớt căng thẳng từ cuối tháng 6 và sẽ không thiếu điện từ nay tới cuối năm. Thông tin được ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết tại buổi họp báo Chính phủ chiều 4/7 đã khiến người dân, doanh nghiệp bớt phần nào lo lắng.
Những ngày qua, sau các đợt mưa lớn, cùng với nhà máy thủy điện Lai Châu, Tuyên Quang phát điện trở lại thì đến nay đã có thêm thủy điện Huội Quảng được huy động vận hành, bổ sung nguồn cung điện để ứng phó với đợt nắng nóng gay gắt kéo dài trong những ngày tháng 7 này.
Theo cập nhật từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), tính đến ngày 4/7, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc đã cải thiện. Mực nước hiện tại của các hồ Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Bản Chát cao hơn mực nước chết 12-27m. Riêng hồ Huội Quảng, Thác Bà có ngưỡng nước cao hơn mực nước chết 0,9-2m.
Dự kiến thời gian tới lưu lượng nước về các hồ sẽ tăng và đảm bảo cấp điện với nhu cầu trung bình 421-425 triệu kWh một ngày. Trường hợp cực đoan không có lũ về, khu vực miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên để đáp ứng nhu cầu phụ tải, tuy nhiên khả năng tích nước sẽ khó khăn.
Còn theo số liệu của Bộ Công thương, điện năng sản xuất, nhập khẩu tháng 6 ước đạt hơn 25,3 tỷ kWh, cao hơn 3,4% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm, điện sản xuất, nhập khẩu hơn 136 tỷ kWh, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cho biết cung ứng điện tháng 5 và đầu tháng 6 khó khăn do nắng nóng gay gắt, thủy văn không thuận lợi, nhu cầu dùng điện tăng và hồ thủy điện cạn nước vì vậy buộc EVN phải cắt điện luân phiên ở một số địa phương phía Bắc. Bộ Công thương đã yêu cầu EVN bám sát điều kiện vận hành hệ thống, thị trường điện; chủ động kịch bản ứng phó khó khăn trong cung ứng điện cũng như điều chỉnh phụ tải trong trường hợp cần thiết.
Để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trong tháng 7 và những tháng cuối năm 2023, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh việc phải bảo đảm một số giải pháp. Trong đó, phải cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện; hạn chế tối đa sự cố và nhanh chóng khắc phục các sự cố nếu có; vận hành hợp lý nguồn thủy điện; Làm tốt công tác tiết kiệm điện...
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, với tính toán cập nhật và các giải pháp nêu trên, từ nay đến cuối năm sẽ không thiếu điện phục vụ sản xuất doanh nghiệp, sinh hoạt người dân.
Khu vực Bắc Bộ đang đối mặt với nắng nóng tăng cường, dự báo kéo dài đến 12/7. Cao điểm nắng nóng rơi vào 6-8/7, với nền nhiệt cao nhất 39-40 độ C. Dự kiến, sản lượng nhu cầu dùng điện tại miền Bắc bình quân đạt 440 triệu kWh từ 2-12/7, ngày cao nhất khoảng 470 triệu kWh một ngày.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết sẽ tăng khai thác hồ Lai Châu trong các ngày tới nhằm tăng công suất khả dụng. Cơ quan điều độ cũng sẽ khai thác hồ Tuyên Quang để hỗ trợ lưới điện khu vực. Ngoài ra, hồ Hòa Bình vận hành đáp ứng phụ tải miền Bắc trong các ngày nắng nóng sắp tới.
Dự báo, đầu tháng 7 là thời kỳ chính vụ mưa lũ của miền núi phía Bắc và Bắc Bộ, với nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng, kéo dài. Riêng khu vực Bắc Bộ, tháng 7 thời tiết nắng nóng xuất hiện nhiều ngày, tuy nhiên ở vùng núi thường có mưa rào và dông vào các buổi chiều tối. Mưa dông thường xuyên diễn ra ở vùng núi Đông bắc Bộ, trên nền nhiệt độ cao, mưa dông thường rất mạnh và có thể gây mưa đá, lốc xoáy và sạt lở đất đá ở các khu vực có địa hình vùng núi cao như: Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên.