Số phận của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hiện đang là tâm điểm dư luận trong những ngày qua, sau khi Hạ viện nước này thông qua việc miễn nhiệm bà. Và dù cho bà Rousseff có ở lại hay ra đi, thì dư âm của sự việc này vẫn là quá đau đớn vì cuộc khủng hoảng chính trị đang tiếp diễn.
Biểu tình diễn ra rầm rộ khi uy tín của bà Rousseff giảm nhanh chóng (Nguồn: AP).
Trong khi giới chính trị gia đối lập ở Brazil đang ăn mừng sau khi quyết định luận tội Tổng thống Dilma Rousseff được thông qua, thì theo giới phân tích, tình hình chính trị ở nước này hiện nay đầy bất ổn dù là bà Rousseff có ra đi hay ở lại. Cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện tổ chức cuối tuần qua dường như đã đẩy vị Tổng thống này đến gần hơn với việc bị phế truất.
Vào khoảng đầu tháng tới, Thượng viện Brazil có khả năng sẽ bắt đầu quá trình luận tội bà Rousseff, người mới ở năm thứ hai trong nhiệm kỳ làm Tổng thống thứ hai của mình. Tuy nhiên bà Rousseff vẫn có thể “sống sót” qua đợt luận tội này, dù rằng phần lớn giới phân tích đều nói rằng Thượng viện rồi sẽ tiếp bước Hạ viện trên con đường phế truất bà vĩnh viễn.
Và không còn nghi ngờ gì khi nói rằng tình hình hiện tại là một niềm vui lớn đối với các đối thủ của bà Rousseff. Cuối tuần qua, nhiều chính trị gia đối lập đã không ngần ngại gì khi tung ra các tranh cổ động ngay trước camera truyền hình trực tiếp, trong đó chỉ nói một câu đơn giản: “Tam biệt”.
Viễn cảnh tồi tệ
Người được xem là có khả năng kế vị bà Rousseff nhất hiện nay chính là cấp phó của bà, ông Michel Temer, người đã trở thành đối thủ hàng đầu của bà và theo Hiến pháp Brazil sẽ lên nắm quyền lực kể từ thời điểm mà Thượng viện bắt đầu quá trình luận tội bà Rousseff.
Ông Temer hiện nay rõ ràng đang tự nhìn nhận mình là một vị Tổng thống sắp nhậm chức. Ông này thậm chí còn bất cẩn để lộ một đoạn băng ghi âm mà trong đó ông tập luyện một bài phát biểu để nói trước người dân cả nước.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, thực tế của công việc có trọng trách hàng đầu quốc gia này không hề cuốn hút đến vậy. Do không có dấu ấn với đại đa số người dân Brazil, nên ông Temer có thể phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về tín nhiệm. Ngoài ra, đảng PMDB của ông Temer cũng sẽ phải đường đầu với sự phản đối gay gắt từ đảng của bà Rousseff nếu như bà bị Thượng viện buộc phải trao trả quyền lực.
Đó là còn chưa kể tới việc một khi ông Temer lên nắm quyền, ông sẽ lập tức phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về cơ cấu trong bối cảnh Brazil đang chìm trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua - một đà trượt đã làm biến đổi nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin này từ chỗ một nền kinh tế đang trỗi dậy thành một câu chuyện tồi tệ về đầu tư.
Khủng hoảng trầm trọng
“Cuộc khủng hoảng vẫn sẽ tiếp tục. Thực tế, nó sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn bởi phe thua cuộc sẽ sử dụng mọi cách để ngăn chặn phe chiến thắng. Brazil sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai” - AFP dẫn lời chuyên gia phân tích chính trị độc lập Andre Cesar, nhận định.
Ông Diego Werneck, thuộc Tổ chức Getulio Vargas, chuyên phân tích chính trị, chỉ ra rằng, ông Temer thậm chí còn phải vất vả để níu kéo quyền lực của mình nếu lên làm Tổng thống. Các đồng minh của bà Rousseff cũng đã bắt đầu một tiến tình luận tội chống lại ông Temer, cáo buộc ông này cũng liên quan tới các bê bối tài chính.
Nghiêm trọng hơn, tên của ông Temer hiện cũng cùng với tên bà Rousseff nằm trong tâm điểm một vụ án mà Tòa án Bầu cử Tối cao Brazil đang điều tra, trong đó nói rằng các lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử năm 2014 một phần đạt được là nhờ tiền hối lộ. Trên lý thuyết, tòa án này có thể tuyên bố cuộc bầu cử trên không hợp lệ và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới mà đương nhiên ông Temer sẽ bị "bật bãi" khỏi vị trí, thậm chí chức Phó Tổng thống cũng không còn.
Tuy nhiên, hậu quả trước mắt đã rõ ràng khi nhìn vào tình cảnh hiện tại của Brazil, như một quốc gia đang rạn nứt. Bà Rousseff hiện tại đã gần như bị tước bỏ mọi quyền lực ngay bên trong phủ Tổng thống, trong khi mối quan hệ của bà với Quốc hội cũng đổ vỡ, danh tiếng của bà suy giảm nặng nề, khiến các cuộc biểu tình bùng nổ ở nhiều nơi.