Kể từ ngày 20/2/2018 tới đây, Chính phủ sẽ hỗ trợ bữa trưa cho trẻ em vùng khó khăn và trẻ em thuộc hộ nghèo trong các cơ sở giáo dục mầm non, với mức bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng, tính trên số thời gian học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm. Ai đã từng đến những lớp học mầm non ở vùng sâu, vùng xa, chứng kiến những bữa ăn trưa của các em, mới thấy chủ trương này thiết thực nhường nào.
Cụ thể, theo tinh thần Nghị định số 06/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, trẻ em độ tuổi mẫu giáo đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; trẻ em mầm non không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mầm non là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đều được hỗ trợ bữa ăn trưa. Phương thức chi hỗ trợ bữa ăn trưa được thực hiện theo 2 phương án: Hoặc cơ sở giáo dục mầm non giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ, hoặc chi trả bằng tiền mặt cho cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Riêng trẻ em thuộc 9 dân tộc thiểu số rất ít người (Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao) đã có chính sách hỗ trợ riêng (mức hỗ trợ bằng 30% mức lương tối thiểu chung/trẻ/tháng) không thuộc vào diện hỗ trợ này.
Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên Chính phủ có chính sách hỗ trợ bữa ăn cho trẻ em mầm non thuộc diện nghèo và vùng khó khăn. Từ năm 2010, trẻ em mẫu giáo 5 tuổi vùng núi cao, biên giới, trẻ em con gia đình nghèo đã được hỗ trợ ăn trưa 394.000 đồng/trẻ/năm. Chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015 cũng đã qui định hỗ trợ 120.000 đồng/tháng cho trẻ em mẫu giáo 3 tuổi và 4 tuổi vùng đặc biệt khó khăn và cha mẹ thuộc hộ nghèo để duy trì bữa ăn trưa tại trường… Nhưng những qui định này đều đã hết thời hạn từ năm 2015 và Chính phủ đã phải ra văn bản tiếp tục gia hạn thêm việc hỗ trợ.
Tuy nhiên, với Nghị định vừa mới ban hành, đây là lần đầu tiên, chính sách hỗ trợ bữa trưa cho trẻ em mầm non được mở rộng đối tượng cũng như nâng mức hỗ trợ. Nếu như trước kia chỉ có trẻ em 3 tuổi và 4 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn và cha mẹ thuộc hộ nghèo mới được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng, còn trẻ 5 tuổi chỉ được hưởng mức hỗ trợ 394.000/năm thì với Nghị định mới này, tất cả các trẻ em (không phân biệt độ tuổi) đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ, hoặc cha, hoặc mẹ, hoặc thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo đều được hưởng mức 10% mức lương cơ bản (khoảng 130.000 đồng/tháng). Cũng như qui định mới cũng được áp dụng cả với trẻ em mầm non thuộc hộ cận nghèo (trước kia chỉ có hộ nghèo)…
Việc Chính phủ ban hành một chính sách an sinh xã hội theo hướng mở rộng hơn đối tượng, nâng mức hỗ trợ là một việc rất đáng hoan nghênh. Việc chăm lo cho người nghèo trong xã hội không gì thiết thực hơn là đi vào những việc làm cụ thể, chăm lo cho thế hệ mầm non, đảm bảo cho các em được đến trường mà không phải đói. Người viết bài này từng chứng kiến ở một điểm trường mầm non ở một xã tại huyện Mường La tỉnh Sơn La, chỉ có vài em trong lớp mang được cơm trắng tới trường để ăn trưa. Bữa trưa vẫn được các cô hái rau tự trồng trong sân trường, cô cho cơm em nào không có cơm và cả cô cả cháu cùng ăn cơm với rau chấm muối…
Một dòng tin trên mặt báo về chính sách hỗ trợ bữa trưa cho trẻ mầm non nghèo, trẻ mầm non ở vùng khó khăn có thể không phải là tin nóng, có thể khiến ít người chú ý đến. Nhưng đối với những cô và trò ở những lớp học mầm non heo hút thì đó cả là một niềm vui lớn. Hơn một trăm nghìn đồng đối với một đứa trẻ ở thành phố có khi không đủ để ăn sáng trong một tuần, nhưng đối với một đứa trẻ vùng khó, số tiền ấy đủ cho các em mỗi tháng có bữa trưa nào cũng được ăn no hơn, là điều kiện để em được đến trường, được học và vui chơi cùng các bạn.
Trong nỗ lực xoá đói giảm nghèo, trong chủ trương chăm lo cho người nghèo, việc hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ mầm non nghèo chắc chắn là một trong những việc hướng tới bền vững nhất về mặt chính sách. Cũng đã xuất hiện trong những năm qua nhiều phong trào từ thiện trong xã hội hỗ trợ cho bữa ăn của học sinh vùng sâu vùng xa, nhưng chỉ có một chính sách áp dụng sâu rộng và đồng đều của nhà nước mới đủ đảm bảo có được sự thay đổi thực sự. Khó khăn của giáo dục vùng sâu vùng xa là đảm bảo được sĩ số lớp học, huy động được các em tới trường, chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa sẽ giúp cho bước chân đến trường của các em đỡ trắc trở hơn.
Tuy nhiên, từ chủ trương đúng, lại phải được thực hiện đúng chính sách mới phát huy hiệu quả. Không phải không có chuyện nọ chuyện kia đã từng xảy ra trong những năm trước trong việc thực hiện hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ mầm non. Mong rằng những việc như vậy sẽ không còn xảy ra.