Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định, chúng ta có thể kỳ vọng vào việc thu hút FDI những tháng tới, tiềm năng thu hút FDI ở phân khúc cao là rất lớn.
PV: Nhiều người lạc quan cho rằng, đang có xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam. Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài dự báo có khả năng tăng trong thời gian tới? Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Việc đi đúng hướng trong phòng, chống dịch và dưới tác động của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, đã giúp Việt Nam ghi nhận rất nhiều kết quả tích cực trong thu hút vốn FDI ngay từ đầu năm 2022, kỳ vọng một năm tiếp tục khởi sắc với dòng vốn quan trọng này.
Với những tín hiệu tích cực từ những tháng đầu năm cùng với sự lạc quan, tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư FDI, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào bức tranh thu hút vốn ngoại khởi sắc trong thời gian tới.
Năm 2022 chúng ta mong muốn việc tăng trưởng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 40 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 21-22 tỷ USD. Theo ông, điều này liệu có khả thi?
- Trong khuôn khổ các chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tại Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc… diễn ra trong thời gian vừa qua, các tập đoàn quốc tế đã cam kết đầu tư rất lớn vào Việt Nam. Chưa kể các địa phương cũng thực hiện xúc tiến đầu tư rất lớn, một số tỉnh như Bắc Giang, Thái Nguyên cũng có kết quả rất tốt trong việc thu hút nhà đầu tư.
Bây giờ các hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ cũng đã trở lại bình thường, nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn trong quá trình đi lại, tiếp cận. Tôi nghĩ 40 tỷ USD là con số hoàn toàn khả thi.
Để mời gọi được nhiều nguồn vốn đầu tư FDI có chất lượng hơn nữa, chúng ta cần khắc phục những “nút thắt” nào, thưa ông?
- Vấn đề này đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để thu hút vốn FDI chúng ta cũng cần tìm ra những điểm yếu trong thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam. Thứ nhất, thu hút đầu tư FDI từ các nước phát triển như EU, Mỹ, Pháp… còn thấp. Chúng ta mới chỉ thu hút được vốn FDI từ các thị trường quen thuộc như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… Đối với những thị trường mới, nguồn vốn ngoại vẫn còn thấp. Để khắc phục được điều này chúng ta cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như các hoạt động ngoại giao để thúc đẩy được Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm có hiệu lực.
Về cải thiện môi trường đầu tư cũng cần phải tiếp tục nỗ lực, nhất là về nguồn nhân lực. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo có thể đón được các dự án công nghệ cao từ các nước phát triển vào Việt Nam. Về hạ tầng cũng cần được quy hoạch tốt hơn và phát triển hơn trong thời gian tới và đặc biệt là hạ tầng về công nghệ 4G về chuyển đổi số nếu chúng ta không làm tốt, không có sự chuẩn bị trước thì chúng ta khó có thể thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các nước phát triển.
Về chính sách, chúng ta cũng cần có sự cải thiện hơn nữa để nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Và đặc biệt sự liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và DN Việt Nam vẫn còn rất lỏng lẻo, hậu quả là, làm giảm tính lan toả của nhà đầu tư nước ngoài đến các nhà đầu tư trong nước… Bên cạnh đó là thực thi các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong đó có các hiệp định như EVFTA, CPTPP…
Trân trọng cảm ơn ông!