Xuất thân trong một gia đình nghèo khó tại Ba Vì (Hà Nội), từ nhỏ đã quen với những vất vả, nặng nhọc, Bùi Thị Thu Thảo luôn ước mơ đạt thành tích cao để có tiền thưởng giúp bố mẹ. Giấc mơ ấy, đã trở thành hiện thực, nhưng cô gái vàng của điền kinh Việt Nam vẫn quyết chinh phục nhiều đỉnh cao, ngay cả khi cô vừa lập gia đình.
Theo thể thao để bớt miệng ăn
Sinh ra trong một gia đình nghèo, ngay từ nhỏ Thảo đã phải phụ giúp bố mẹ làm nghề đóng gạch. Năm 14 tuổi, Thảo tình cờ được phát hiện sau một lần HLV Nguyễn Trọng Hổ xem giải đá cầu của tỉnh Hà Tây cũ. Thấy một VĐV đá cầu có sức bật, tốc độ, cổ chân nhanh nhẹn, người thấp phù hợp với môn nhảy cao, ông Hổ liền tuyển Thảo lên đội tuyển điền kinh tỉnh.
Tuy nhiên, do không theo được nhảy cao, khi chuyển sang chạy đường dài cũng thất bại, Thảo đã xin về quê, rồi sau đó lên Hà Nội xách vữa thuê cho các công trường xây dựng. Chỉ đúng 1 tháng sau, bố của Thảo lại bắt cô tập lại thể thao, bởi đó là con đường tốt nhất thoát ly khỏi lũy tre làng. Chỉ với tiền ăn 14.000 đồng/ngày, mỗi tháng 50.000 đồng tiền lương nhưng Thu Thảo vẫn quyết tâm tập luyện chỉ vì thương bố mẹ nghèo khổ.
“Các thầy cô về tận nhà thuyết phục, bố mẹ em thấy bảo cho con theo tập thể thao chuyên nghiệp được Nhà nước nuôi, liền tìm em về, dặn theo tập cho đến nơi đến chốn. Kể từ đó, em mới xác định theo nghiệp điền kinh”, Thảo kể lại.
Cuối năm 2009, Thu Thảo được gọi vào tuyển trẻ điền kinh quốc gia ở nội dung 7 môn phối hợp, đến 2011 mới chính thức được nhấc sang tổ nhảy xa, và chuyên tập nội dung này từ đó đến nay. Nhưng may mắn chưa đến với Thảo do chấn thương liên miên, từ đầu gối, bàn chân đến lưng đều đau đớn. Năm 2012, Thảo không thi đấu được giải nào vì chấn thương, nhiều lúc cô đã có ý định từ giã nghiệp thể thao.
Trải qua 8 năm ròng chỉ biết đến thất bại, chấn thương, nhưng Bùi Thị Thảo vẫn kiên trì tập luyện. Cô gái từng phải đi làm phụ hồ không thể ngờ có ngày mình lai bước lên đỉnh cao châu lục.
Vươn tầm châu Á
Liên tiếp ở hai chặng 2 và 3 giải điền kinh Grand Prix châu Á 2017 diễn ra tại Trung Quốc và Đài Bắc (Trung Quốc) mới đây, Bùi Thị Thu Thảo đều xuất sắc giành HCV ở nội dung nhảy xa. Điều đáng nói là so với các đối thủ, VĐV người Ba Vì thua rất nhiều về thể hình và đặc biệt là đôi chân ngắn tưởng như không thể thi đấu được ở cái môn cần sức bật, sức rướn và độ sải.
Chỉ cao 1m65, với đôi chân không đạt “chuẩn”, nhưng Bùi Thị Thu Thảo vẫn dấn thân vào điền kinh, ở môn nhảy xa. Quyết định ấy với Thảo thật đúng đắn, khi cô từng bước khẳng định mình.
Trong thành tích 4 HCV mà đội tuyển điền kinh vừa đạt được ở 3 chặng giải Grand Prix châu Á, Thảo đóng góp một nửa. Ở sân chơi tầm châu lục, những tấm huy chương mà Thảo giành được chẳng dễ chút nào, nhưng nó luôn khiến đối thủ phải kính nể bởi sự lỳ lợm, bản lĩnh của VĐV người Việt Nam.
Thực tế đây không phải là lần đầu Bùi Thị Thu Thảo ghi dấu ấn ở tầm châu Á. Trước đó, sau gần 8 năm luyện tập vô cùng quyết tâm và bền bỉ, lưng vốn thành tích của Thu Thảo chỉ có duy nhất một tấm HCĐ giành được tại SEA Games 27 năm 2013. Vì thế, ở giải điền kinh 2014, khi Thảo “bay” tới mức 6m46 khiến lãnh đạo ngành thể thao đã phải họp khẩn, và quyết định đặc cách Thảo vào thành phần các VĐV dự ASIAD, dù danh sách đã chốt lại từ lâu trước đó.
Tại Incheon tháng 9 năm đó, với cú nhảy 6m44 Thảo đã xuất sắc về nhì, và suýt chút nữa đã có thể bước lên ngôi cao nhất, nếu như đối thủ người Indonesia, Maria Londa, không có cú nhảy cuối xuất thần đạt 6m55.
Sau thành công ở ASIAD 17, Bùi Thị Thu Thảo còn giành 1 HCB Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á Beach Games 2014, 1 HCB Đại hội Thể thao Sinh viên Đông Nam Á. Đặc biệt, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7/2014, Thu Thảo giành trọn 1 bộ HCV, HCB, HCĐ, trong đó, HCV ở nội dung nhảy xa, HCB chạy tiếp sức 4x200m, HCĐ nhảy ba bước.
Những ngày đầu năm 2017, “cư dân” Nhổn (Trung tâm HLTTQG Hà Nội) đã phải dành sự thán phục khi dù những ngày rét đậm mưa phùn, vẫn thấy Thu Thảo xin thầy tập thêm giờ. Thảo thừa nhận mình không phải là một VĐV có lợi thế về thể hình, nhưng chắc chắn ý chí không kém ai. Vốn sinh ra ở một gia đình nghèo khó, bố mắc bệnh nặng, bản thân Thảo từng phải đi làm phu hồ, đóng gạch, cô gái quê Ba Vì càng quyết tâm phấn đấu để giành thành tích, có tiền thưởng nuôi gia đình.
Theo HLV Nguyễn Trọng Hổ, hai tấm HCV của Thảo ở giải điền kinh Grand Prix châu Á vừa rồi cho thấy những tín hiệu rất vui về phong độ cũng như tâm lý khi thi đấu ở sân chơi quốc tế. Đặc biệt là cú nhảy 6m58 ở chặng 1 chính là cú hích để Bùi Thị Thu Thảo có thêm niềm tin và động lực để thực hiện được giấc mơ lần đầu vô địch SEA Games vào tháng 8 tới đây, tại Malaysia.
Dành tiền thưởng chữa bệnh cho bố
Bố mẹ Thu Thảo đều làm nghề nông. Nhà có ba anh em, Thu Thảo là út và cũng là người duy nhất theo nghiệp thể thao. Bố Thu Thảo bị thấp khớp nặng 15-16 năm nay. Vài năm gần đây bệnh càng ngày càng nặng, nhiều lần đi viện khiến gia đình phải ngưng công việc đóng gạch, vay mượn khắp nơi để lấy tiền chữa bệnh.
Còn nhớ, khi nhận tấm HCB quý như Vàng tại ASIAD, cô gái đến từ vùng quê Ba Vì đã không cầm được những giọt nước mắt, và cô đã hét lên thật to, cùng với lời chia sẻ mà trước hết với người cha của mình “con đã làm được rồi cha ơi”.
Thảo tâm sự, trong mỗi buổi tập, nhất là trước khi thi đấu, bao giờ cô cũng nhớ đến hình ảnh người cha đau yếu. Và Thu Thảo hiểu rằng, với tấm HCB lịch sử tại ASIAD 2014, chính bố còn là người hạnh phúc hơn cả mình.
Từ đó tới nay, cứ khi nào có tiền thưởng thành tích huy chương, Thảo đều mang về quê thuốc men, chữa bệnh cho bố. Ngoài tài năng, ý chí, sự bền bỉ phi thường của bản thân, phía sau Thảo còn có những nguồn động lực tinh thần to lớn từ gia đình, nhất là người cha đau ốm, cùng người chồng hết lòng vì sự nghiệp của vợ.
“Bản thân em muốn lo cho bố mẹ và gia đình, chỉ biết trông vào tiền công tập luyện, mỗi tháng chỉ vài triệu đồng. Vì vậy, em luôn nghĩ phải cố gắng phấn đấu, nỗ lực giành huy chương để có thể dành dụm chút tiền thưởng gửi thêm về cho bố mẹ”, Thu Thảo tâm sự.
Ở thời điểm hiện tại, Thu Thảo cho biết mình không còn phải lo nhiều về kinh tế như giai đoạn khởi nghiệp, thu nhập của cô đã cơ bản ổn định. Đây chính là động lực, là hậu phương vững chắc để giúp cô gái quê Ba Vì tập trung toàn lực cho sân chơi SEA Games 29, vào tháng 8 năm nay.
Tiếp tục khổ luyện với giấc mơ đoạt tấm HCV SEA Games với VĐV Bùi Thị Thu Thảo lúc này rất quan trọng, bởi cô cần đạt cột mốc mới trong sự nghiệp để khẳng định chính mình và hy vọng cột mốc mới đó sẽ là điểm nhấn để cô được xét tuyển biên chế như nhiều thế hệ HLV, VĐV trước đây của Hà Nội.
Bùi Thu Thảo không có một thể hình tốt, nếu không muốn nói còn rất hạn chế cho môn nhảy xa. Chiều cao của chị chỉ 1m65 với đôi chân ngắn. Tại các giải quốc tế, tuyển thủ Việt Nam có biệt danh “Thảo Bò Vàng” này luôn là người thấp nhất. Tuy nhiên, Thảo được bù lại ở sức bật đáng nể mà như đánh giá của các chuyên gia là “không thể tin nổi”, khả năng tận dụng cơ hội, đặc biệt trong những điều kiện gian khó.
Thảo đang hướng tới những mục tiêu cao trong tương lai, mà trước hết là cuộc phục thù tại SEA Games 2017 và ASIAD 2018. Mong cho Thảo sẽ thực hiện được ước mơ của một người con hiếu thảo, của một VĐV tiêu biểu cho nghị lực và sức vươn lên của thể thao Việt Nam.