Bước đường cùng

Tinh Anh 02/04/2021 00:16

Một câu chuyện có thể nói là bi hài bậc nhất vừa xảy ra tại huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) khiến dư luận xã hội cười ra nước mắt. Một người phụ nữ luống tuổi do nợ nần chồng chất đã phải nghĩ đến cách thoát thân “độc nhất vô nhị”, đó là giả chết cho gia đình làm đám ma để qua mặt các chủ nợ. Vậy mà không xong, vẫn bị phát hiện giả chết.

Người phụ nữ khốn khổ đó đã phải rời xứ, tha hương tới Đồng Tháp để trốn tránh, nhưng các chủ nợ vẫn ráo riết tìm kiếm khiến bà này sợ hãi. Trong lúc quá sợ hãi, bí bách, người phụ nữ này đã nghĩ ra chiêu giả chết để thoát nợ. Kế hoạch tưởng như hoàn hảo, nhưng đến phút chót lại có sơ hở nên mọi chuyện bị lộ tẩy.

Nghĩ là làm, người phụ nữ lớn tuổi đó mua một cỗ quan tài ở Đồng Tháp thuê xe chở về nhà tại Sóc Trăng để gia đình làm đám tang giả. Song, trò đời khéo quá lại hóa vụng. Thay vì nói người phụ nữ trên qua đời tại Đồng Tháp, người nhà lại “khai” bà này đi làm ăn ở Campuchia bị bệnh nặng qua đời nên đưa về để mai táng tại quê nhà.

Khổ nỗi, Campuchia lại đang là nơi tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, vì thế chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng buộc phải đến kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Và thế là mọi chuyện gian dối của người phụ nữ và gia đình định giả chết để xù nợ bị vỡ lở tung tóe, không còn giấu ai được nữa.

Sự việc khiến không ít người trong cuộc dở khóc dở cười. Thường người ta rất kỵ việc nhắc đến cái chết, chứ đừng nói đến chuyện giả chết. Ấy vậy mà người phụ nữ trên lại chấp nhận giả chết để trốn tránh chủ nợ, chứng tỏ bà ta cũng đã đi đến bước đường cùng, không còn lối thoát. Chỉ vì trốn nợ mà phải giả chết xem ra không đáng, rất đau lòng.

Vẫn biết tiền bạc là rất quý, trong cuộc sống ai mà chẳng cần đến tiền, nếu không có nó thì không thể tồn tại chứ đừng nói đến làm cái gì khác. Song, điều đó cũng không có nghĩa tiền có thể chi phối cách nghĩ, khiến người ta lầm đường lạc lối, thậm chí đánh mất nhân cách, ươn hèn trước thực tại. Chẳng phải tiền chỉ là vật ngoại thân hay sao?

Ấy vậy mà chỉ để có tiền, một số trường hợp không chỉ đánh mất lòng tự trọng, mà còn không hề ngần ngại tự làm tổn hại sức khỏe bản thân. Nếu chiếu theo bề nổi của vấn đề, đó là những người đã mất hết liêm sỉ. Song, nếu “đào sâu” vào đời tư của họ, mọi người sẽ thấy đôi khi những con người đó đã cùng đường, cực chẳng đã mới làm như vậy.

Sau nhiều năm, đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh một phụ nữ 30 tuổi (ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuê người chặt tay, chặt chân để trục lợi bảo hiểm. Vào thời điểm đó, tôi và nhiều người khác không thể hình dung và lý giải được vì sao lại có người tự hủy hoại bản thân để lấy tiền bảo hiểm. Không lẽ tiền còn quan trọng hơn cả sức khỏe bản thân hay sao? Lúc đó, dư luận xã hội cũng đã lên án chị này một cách cay nghiệt.

Song, đã từng có ai trong chúng ta thử tự đặt câu hỏi: Nếu cho chọn giữa tiền và sức khỏe, chúng ta sẽ chọn cái gì? Nếu chúng ta rơi vào hoàn cảnh quá bí bách, cần tiền để trang trải một việc quan trọng nào đó không thể đừng được (chẳng hạn như trả viện phí rất nặng để chữa bệnh cho người thân), mà lại không thể xoay đâu ra thì chúng ta sẽ làm gì?

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa cổ súy cho hành vi trục lợi bảo hiểm của người phụ nữ 30 tuổi ở Hà Nội, cũng không phải đồng tình với việc giả chết để trốn nợ của người phụ nữ luống tuổi ở tỉnh Sóc Trăng. Song, điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta hãy bình tâm để có cái nhìn toàn diện, khách quan, mở rộng lòng nhân ái hơn thay vì phán xét.

Hiển nhiên là hành vi thuê người tự chặt tay chân của mình để trục lợi bảo hiểm là vi phạm pháp luật, giả chết để xù nợ là vô lương tâm, thiếu đạo đức. Song, nếu họ không rơi vào bước đường cùng, quá quẫn bách, liệu những con người khốn khổ đó có chấp nhận những cái giá quá đắt như vậy không?

Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện về hai thiếu niên do quá đói đã thực hiện hành vi cướp túi đồ ăn của chủ quán trị giá... 45.000 đồng. Cả hai thiếu niên này sau đó đều bị phạt tù, dù chủ quán hàng ăn đã có đơn xin bãi nại cho chúng. Vẫn biết pháp luật là phải nghiêm minh, nhưng không phải lúc nào cũng chỉ nói lý, mà cần có sự thấu tình đạt lý.

Từ những trường hợp nêu trên, mong rằng đừng có ai dại dột mà “đánh đu” với pháp luật, coi thường sức khỏe và mạng sống của bản thân chỉ vì tiền. Dù có khó khăn cỡ nào, hãy tin rằng xã hội còn rất nhiều người tốt, sẵn sàng hỗ trợ cho những hoàn cảnh yếu thế, đừng nghĩ quẩn để rồi đưa ra những quyết định sai lầm. Dân tộc ta có truyền thống tương thân tương ái nên sẽ không để ai rơi vào bước đường cùng, hãy ghi nhớ điều đó!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước đường cùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO