Sau hơn 10 ngày tranh tài sôi nổi, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V đã chính thức khép lại. Tuy nhiên, bên cạnh những “bữa tiệc” nghệ thuật mang đến cho khán giả vẫn còn đó những khoảng lặng cả về chuyên môn lẫn công tác tổ chức.
Diễn ra từ ngày 15 đến 26/11, tại Hà Nội và Hải Phòng, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V có sự tham gia của 15 đơn vị nghệ thuật trong nước và 4 đơn vị nghệ thuật quốc tế với 19 vở diễn. Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan, NSND Trịnh Thúy Mùi, với cả mặt tích cực và hạn chế, Liên hoan giúp các nghệ sĩ đã có dịp chiêm nghiệm để tìm được những điều mới mẻ trong biên kịch, đạo diễn, diễn xuất, mỹ thuật, âm nhạc và những thành phần phụ trợ khác.
“Tôi được nghe một số nghệ sĩ nước ngoài chia sẻ là đã học được nhiều điều thú vị từ nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Tôi hy vọng các nghệ sĩ Việt Nam cũng học được nhiều ở cách sáng tạo của bạn bè quốc tế” - bà Mùi cho biết.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng, thì hầu hết các vở diễn tập trung vào yếu tố thử nghiệm. Tuy nhiên, theo ông Thắng, các vở diễn thuần Việt trình diễn tại Liên hoan lần này đã để lại những dấu ấn đậm nét trong khán giả, nhất là các đại diện quốc tế. Đó là 2 vở rối “Bản tình ca trên núi” Nhà hát Múa rối Việt Nam và “Lời thề” của Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng.
“Nét nổi bật khác chứng tỏ tính thử nghiệm của Liên hoan đó là, sân khấu rất ít nhân vật, xu thế độc diễn được thể hiện tập trung” - ông Thắng nhận xét.
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn của sự thể nghiệm, Liên hoan cũng để lại những khoảng lặng để chính những người trong cuộc phải trăn trở. Với quy mô là một Liên hoan quốc tế, thế nhưng dường như đây chỉ là “sân chơi” nội bộ của các đơn vị nghệ thuật của Việt Nam. Mặc dù, theo kế hoạch ban đầu có 6 đơn vị nước ngoài tham gia nhưng đến phút chót chỉ có 4 đoàn có mặt tại Việt Nam. Không những vậy, lực lượng diễn viên nước ngoài đến Liên hoan cũng nhỏ gọn. Như đoàn Hàn Quốc chỉ có 3 diễn viên. Chính vì sự chênh lệch này mà các hạng mục giải thưởng của Liên hoan hầu hết đều thuộc về nước chủ nhà Việt Nam. Đơn cử, ở giải thưởng về vở diễn thì cả 4 huy chương Vàng và 5 huy chương Bạc đều thuộc về Việt Nam. 4 vở diễn được trao huy chương Vàng gồm “Bản tình ca trên núi” - Nhà hát Múa rối Việt Nam; “Người trong cõi nhớ” - Nhà hát Kịch Việt Nam; “Thượng Thiên Thánh Mẫu” - Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam; “Đến bến bờ kia” - Đoàn kịch nói Hải Phòng.
Ở các giải thưởng cá nhân, có 3 diễn viên nước ngoài được trao huy chương Vàng gồm Sungtae Kim (Hàn Quốc - vở “Bí ẩn của nhà vua”), Tom Corradini (Italy - vở “Anh em nhà Lehman”) và Slawomir Stanislaw Dadej (Ba Lan - vở “Câu chuyện biển cả”) cùng 25 diễn viên Việt Nam. Đáng nói hơn, với vở diễn “Thượng Thiên Thánh Mẫu” kết hợp giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam dù xuất sắc giành huy chương Vàng vở diễn nhưng ở các giải thưởng cá nhân chỉ vinh danh các nghệ sĩ cải lương mà lại “bỏ quên” các nghệ sĩ Xiếc.
Đạo diễn Trần Thanh Hiệp Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho rằng, để chuẩn bị cho Liên hoan lần thứ V, chúng ta phải tạo mối liên kết với sân khấu các nước để tìm kiếm những vở diễn đúng chất thử nghiệm. Ngay cả với sân khấu trong nước cũng phải “đặt hàng”, bằng cách khơi gợi, khuyến khích các đơn vị công lập, ngoài cộng lập tích cực đầu tư từ nhiều khâu sáng tạo: kịch bản, hình thức dàn dựng, diễn viên có những tư duy về diễn xuất mới lạ, âm nhạc, thiết kế sân khấu….để chọn lọc vở diễn đúng chất thử nghiệm. Chứ không thể cứ kêu gọi chung chung, rồi lập lại tình trạng có đơn vị lấy ngay vở có sẵn, gia cố thêm một chút gì đó gọi là thử nghiệm và đăng ký.
Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm “đã qua nhiều lần tổ chức, mỗi lần chúng ta lại tích lũy thêm nhiều bài học mới, sân khấu Việt sẽ mở rộng vị thế, hướng tới nhiều đối tượng khán giả để nghệ thuật luôn đổi mới, không chỉ phản ảnh về văn học mà phải đổi mới về hình thức dàn dựng” - ông Hiệp bày tỏ.
Giải thưởng cá nhân xuất sắc Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V: Giải “Họa sĩ xuất sắc” thuộc về NSƯT Doãn Bằng, vở “Người trong cõi nhớ” - Nhà hát Kịch Việt Nam; Giải “Nhạc sĩ xuất sắc” được trao cho NSƯT Phùng Tiến Minh, vở “Trái tim người Hà Nội” - Nhà hát Kịch Hà Nội; Giải Đạo diễn xuất sắc được trao cho NSND Nguyễn Tiến Dũng với vở “Bản tình ca trên núi” - Nhà hát Múa rối Việt Nam; Giải “Ánh sáng xuất sắc” thuộc nghệ sĩ Như Sơn với vở “Bản tình ca trên núi” - Nhà hát Múa rối Việt Nam; Giải “Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc”, vở “Đến bờ bên kia” - Đoàn Kịch nói Hải Phòng.