Một gia đình ở Hà Nội quyết định hiến mô, tạng của cháu mình do bị xuất huyết não nặng, không qua được. Một gia đình khác đã vượt hơn 1.300 km để tìm tia hy vọng cuối cùng cho con trai nhưng phép nhiệm màu đã không đến, gạt đi đau thương, mất mát, họ cũng đã quyết định hiến tạng con trai để cứu sống những cuộc đời không may mắn khác.
Không may gặp tai nạn giao thông, sự sống của Hoàng Văn P., 19 tuổi, trú tại tỉnh Kon Tum như “ngọn đèn trước gió”. Từ Kon Tum xa xôi, với hy vọng “còn nước còn tát”, gia đình quyết tâm vượt hơn 1.300 km chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Dù được các ý bác sỹ hết lòng cứu chữa nhưng phép nhiệm màu đã không đến. Gạt đi những đau thương, mất mát, gia đình bệnh nhân đã quyết định hiến tạng cứu sống những cuộc đời khác.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, sau khi được gia đình đồng ý, các bác sĩ đã tiến hành lấy tim, gan, 2 thận của bệnh nhân để ghép cho 4 bệnh nhân và 2 giác mạc được chuyển đến Ngân hàng mắt mang lại ánh sáng cho những bệnh nhân khác.
Kìm nén những giọt nước mắt nghẹn đắng, mẹ của bệnh nhân chia sẻ, gia đình và các y bác sỹ đã cố gắng hết sức để cứu con, nhưng phép màu không đến với con, chỉ mong sao nội tạng của con có thể cứu được những người khác. “Lúc còn sống, nguyện vọng của con tôi ước mơ nhiều lắm. Tôi mong sao những người nhận tạng biến những ước mơ của con tôi thành công, sống tốt như con tôi”.
Trước đó, mặc dù đã được các bác sĩ tại Kon Tum giải thích, nhưng gia đình bệnh nhân vẫn quyết tâm cho con ra Hà Nội với hy vọng mong manh cứu sống con. Gia đình cũng đã bàn bạc đến việc, nếu không cứu được con, gia đình vẫn chấp nhận để giúp những bệnh nhân khác được nối dài sự sống.
“Trong tâm tôi luôn nghĩ, nếu không cứu được con, thì sẽ cứu sống được nhiều người khác, vì thế gia đình đã quyết tâm di chuyển hơn 1.300 km”, bố bệnh nhân chia sẻ.
Tại Hà Nội, bà N.T.A. là bà của bệnh nhân N.H.N. ở Hoài Đức, Hà Nội đã gọi điện đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bày tỏ nguyện vọng muốn hiến mô, tạng cho cháu mình vì cháu bị xuất huyết não nặng, không qua được.
Trước đó, cháu N. được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng hôn mê sâu, không còn các phản xạ, các tạng chính đều bị ảnh hưởng. Trong quá trình điều trị cho N., bà và bố mẹ của bệnh nhân cũng đã mong muốn các y bác sĩ cứu sống con, cháu của mình, nếu không cứu được thì cố gắng cứu các tạng của cháu để có thể hiến tạng, cứu sống các bệnh nhân khác.
Sau 2 ngày bị chết não, bệnh nhân không thể hồi phục, nhưng may mắn là một số tạng chính như tim, gan, thận đã hồi phục được 75%. Sau khi được các y bác sĩ giải thích kỹ càng, gan của bệnh nhân N. đã được ghép cho 1 bệnh nhân và 2 bệnh nhân khác được ghép thận, còn tim và phổi của bệnh nhân không lấy được. Hiện tại, các bệnh nhân sau ghép đều khỏe mạnh và đã ra viện.
Đó chỉ là 2 trong số nhiều gia đình đã nén đau thương của riêng mình, để giúp “hồi sinh” nhiều cuộc đời. Sự hồi sinh của những cuộc đời bằng nghĩa cử đầy nhân văn, cao đẹp thật đáng trân trọng.
Đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 5 ca ghép phổi, 36 ca ghép tim, 92 ca ghép gan và gần 1.100 ca ghép thận. Bệnh viện luôn hy vọng sẽ ngày càng có nhiều tấm lòng sẵn sàng hiến tạng cứu người nếu không may mất đi, để những người bệnh chờ ghép tạng có thêm cơ hội sống.