Thời gian gần đây, nhiều yêu cầu được cộng đồng mạng đặt ra đối với các nghệ sĩ nổi tiếng kêu gọi hoạt động từ thiện, phần lớn là yêu cầu in sao kê ngân hàng, công khai các khoản thu chi. Thậm chí phong trào “minh bạch hóa” từ thiện đã bị đẩy lên đến mức làm mất hình ảnh, uy tín của người làm từ thiện. Gốc rễ của vấn đề, theo nhiều chuyên gia, là vẫn chưa có quy định rạch ròi về việc cá nhân làm thiện nguyện.
Sức ép “hậu từ thiện”
Suốt thời gian qua, nhiều người nổi tiếng không những ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi tài năng mà còn truyền cảm hứng cho công chúng khi tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, đem lại nhiều điều đáng quý. Với uy tín cá nhân, nhiều người nổi tiếng đứng lên kêu gọi từ thiện luôn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ.
Đợt lũ lụt miền Trung năm 2020, nữ ca sĩ Thủy Tiên đã nhận được con số kỷ lục lên đến hơn một trăm tỷ đồng từ các mạnh thường quân, các cá nhân khác gửi gắm để hỗ trợ đồng bào vượt qua thiên tai. Khi người dân đang “oằn mình” trong bão lũ, hình ảnh một “cô Tiên” ngoài đời thực lăn xả trong tâm lũ, lội nước đến giúp đỡ từng hộ dân miền Trung đã làm lay động trái tim hàng triệu người dân trong và ngoài nước. Thế nhưng, khi cơn bão lũ qua đi, “cô Tiên” từng được tung hô lại phải đối mặt với nhiều hoài nghi đặt ra trong việc làm từ thiện.
Ca sĩ Thủy Tiên không phải trường hợp cá biệt. Liên tục từ giữa năm 2021 đến nay, người nổi tiếng làm từ thiện trở thành câu chuyện được cộng đồng mạng bàn luận, “mổ xẻ”. Đó là trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh, MC Trấn Thành, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng… Dù nghệ sĩ Hoài Linh đã giải ngân số tiền từ thiện tại miền Trung; ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng lên tiếng trên trang xã hội về việc làm từ thiện của cá nhân; thậm chí ca sĩ Thủy Tiên và Công Vinh cũng đã phải chi một khoản chi phí lớn để sao kê 18.000 trang giấy tiền từ thiện…; song cho đến tận bây giờ những tranh cãi về chuyện từ thiện của người nổi tiếng vẫn chưa dừng lại.
Nhiều yêu cầu được cộng đồng mạng đặt ra, phần lớn là yêu cầu người nổi tiếng phải in sao kê ngân hàng về thu chi từ thiện để kiểm tra, đối chiếu số tiền đó có đến đúng tay người thụ hưởng hay không. Phong trào “minh bạch hóa” từ thiện bị đẩy lên đến mức làm mất hình ảnh, uy tín của người làm từ thiện.
Không những thế, nó còn cho thấy khoảng trống pháp lý liên quan đến cá nhân kêu gọi từ thiện.
Cần có khung pháp lý rõ ràng, đề cao tính minh bạch, công khai trong các hoạt động từ thiện
Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, việc cộng đồng mạng “soi mói” đối với sao kê của các nghệ sĩ và một số người có ảnh hưởng trong xã hội là điều tất yếu trong xã hội và họ nên đón nhận. Bản thân họ đều là những người của công chúng, được nhiều người quý mến nên mọi hoạt động đều được dư luận quan tâm. Đặc biệt, hoạt động phân phối tiền từ thiện với số tiền quyền góp rất lớn nên việc công khai, minh mạch là điều nên làm, càng chứng minh cho cái tâm trong sáng của người huy động.
Về mặt pháp lý, do chưa có quy định rành mạch về việc cá nhân huy động từ thiện.
Hiện tại, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo chưa có quy định điều chỉnh cụ thể cá nhân được phép thực hiện các hoạt động này và được quy định rải rác trong một số văn bản. Hiện, Bộ Tài chính đã gửi bản dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP để lấy ý kiến nhân dân.
Theo đó, Dự thảo đã bổ sung quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước và hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo. Đồng thời, Dự thảo còn bổ sung nhiều quy định nhằm đề cao tính công khai, minh bạch đối với cả tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện từ thiện. Những quy định bổ sung này hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dân trong việc thực hiện các hoạt động thiện nguyện cũng như tạo một hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động từ thiện.
Toạ đàm trực tuyến “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?”
Với mong muốn tìm hướng đi đúng cho hoạt động từ thiện cá nhân, để yêu thương nối dài những yêu thương chứ không phải những ồn ào, thị phi hay trách móc…, báo Đại Đoàn Kết sẽ tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?”.
Khách mời của chương trình gồm: Ông Lưu Bình Nhưỡng, Tiến sĩ Luật, ĐBQH khoá XIV; Đại tá, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh và một số nghệ sĩ nổi tiếng thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện: MC Phan Anh; Ca sĩ Thuỷ Tiên; Ca sĩ Thái Thuỳ Linh.
Toạ đàm trực tuyến “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?” sẽ diễn ra vào lúc 14h30 ngày thứ Sáu (24/9/2021), được truyền hình trực tiếp trên báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn) và fanpage của Báo Đại Đoàn Kết trên mạng xã hội Facebook.
Trân trọng!