Tôi biết ca sĩ Tuấn Hiệp vào năm 2009, khi anh đang quản lý một phòng trà lịch lãm sang trọng ven Hồ Tây. Tôi ngồi ở bàn uống nước, Tuấn Hiệp đến bên, bắt tay tôi. Hôm đó anh mặc một bộ complet tối màu với áo sơ mi trắng chỉn chu, tóc đen nhánh được cắt tỉa cẩn thận và vuốt gel, chải ngược ra sau.
Ca sĩ Tuấn Hiệp.
Tuấn Hiệp kéo ghế ngồi lại, trò chuyện với tôi dăm câu. Giọng của Tuấn Hiệp chậm, trầm ấm. Cư xử lịch lãm. Thời gian ấy, Tuấn Hiệp ít hát. Anh dành thời gian nhiều cho việc quản lý nhà hàng và sắp xếp công việc về âm nhạc tại phòng trà. Tuấn Hiệp không được vui lắm. Anh có phần mỏi mệt... Vài năm sau, chúng tôi gặp lại nhau, một buổi ngồi ở TonKin số 4 Lý Thường Kiệt. Anh đang quay trở lại với hát. Chúng tôi cầm cốc trà nóng trên tay, ngồi trên cái ghế ngoài vỉa hè, áp lưng vào cửa kính, mặt nhìn ra ngoài đường, ngắm xe qua lại.
Mấy năm gần đây, Tuấn Hiệp chủ yếu tham gia các chương trình âm nhạc ở nước ngoài như Anh, Pháp, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Đức, Tiệp, Mỹ… Thời gian còn lại, Tuấn Hiệp hay ở trong phòng thu, thu thanh những dự án âm nhạc của riêng mình.
Giờ thì anh đã đưa gia đình vào cư ngụ tại TP HCM. Ở một nơi mới, cuộc sống của anh tiếp tục theo dòng chảy. Những con người như Tuấn Hiệp thì luôn luôn có bạn bè ở khắp mọi nơi, thế nên, anh luôn có sự tự do mà không cô độc, trừ khi muốn được một mình.
Trước khi bay sang Mỹ để biểu diễn, anh dành thời gian chuyện trò với tôi, những câu chuyện về quá khứ một thời ở Hà Nội...
- Ngày đến với Hà Nội, tôi mang theo một thùng tôn đựng quần áo, sách vở cùng 10 kg gạo, bước chân vào giảng đường đại học với bao ước mơ và hoài bão của một cậu thanh niên đầy đam mê, khát vọng trở thành một kỹ sư nông nghiệp. Năm 1997, từ một học sinh cá biệt của trường cấp ba, tôi từng bỏ vào Sài Gòn kéo xích lô, làm đủ thứ nghề để kiếm tiền chỉ vì ham chơi theo chúng bạn. Rồi khi quyết tâm quay ra Bắc học tiếp, tôi phấn đấu học hành rồi đỗ vào ba trường đại học: Đại học Thái Nguyên, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Thể dục Thể thao.
Hết năm thứ hai, tôi thi tiếp vào Nhạc viện với sự động viên của NSND Quang Thọ và NSND Lê Dung. Hai nghệ sĩ muốn tôi đi theo con đường hát chuyên nghiệp.
Cả một quãng dài học tập từ 1997 đến 2001 tại Hà Nội với anh là những tháng ngày vất vả?
- Tiền hàng tháng bố mẹ cho chỉ có từng đó mà tôi lại cố sao theo học cả hai trường. Có những lúc đói để đi học vì nhường lại 10 ngàn cho cậu e trai được ăn bữa cơm thật no. Khi ấy, em trai cũng đang theo học Thanh nhạc. Đến năm 2001, tôi đỡ vất vả hơn khi được Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị mời về cộng tác rồi sau đó có biên chế chính thức. Cũng trong năm đó, tôi đoạt giải Nhất Tiếng hát truyền hình Hải Dương và giải Nhì Tiếng hát truyền hình Hà Nội.
Kỷ niệm của anh với bạn bè đồng nghiệp thời gian đó ra sao?
- Tôi sống đơn giản và hoà đồng nên bạn bè đồng nghiệp trong nghề đông lắm. Chưa kể tôi từng công tác tại hai nhà hát uy tín nhất Việt Nam thời bấy giờ là Nhà hát Quân đội và Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương, nên tôi có nhiều bạn lắm và có rất nhiều những kỷ niệm. Nhưng người làm cho tôi có cuộc sống và đứng vững trong nghề đến ngày hôm nay là NSND Quang Thọ. Thầy là người từng mang cho tôi những bộ quần áo cũ khi tôi còn là cậu sinh viên nghèo.
Vì sao anh lại chọn hát những tình khúc về Hà Nội?
- Do có quá nhiều những bài hát hay của các nhạc sĩ viết về Hà Nội: như Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phú Quang, Hoàng Dương, Song Ngọc... Hà Nội cũng là nơi tôi học tập và gắn bó hơn hai mươi năm nên phần nào Hiệp và cảm được những bài hát rất tình tứ của các nhạc sĩ viết về Hà Nội. Những tình khúc Hà Nội mà tôi thích hát nhất là “Nỗi lòng người đi”, “Gửi người em gái miền Nam”, “Nỗi nhớ mùa Đông”… Tất cả những tình khúc về Hà Nội mà tôi từng hát đều gợi lại cho tôi những hoài niệm rất xưa cũ, rất thơ mộng về một Hà Nội đơn giản nhưng thanh lịch và quyến rũ.
Tôi nhớ lần đầu tiên gặp anh là tại phòng trà ca nhạc mà anh đang điều hành quản lý?
- Từ 2008 đến 2013, tôi kinh doanh nhà hàng và phòng trà ca nhạc tại 92 Trấn Vũ và 168 Quán Thánh - Hà Nội. Một thời gian dài, đây là địa chỉ quen thuộc của nhiều người nghe nhạc tiền chiến và trữ tình. Đây là quãng thời gian tôi không tập trung vào hát, mà là lo làm kinh doanh.
Hồi 2008, khán giả Hà Nội còn mơ hồ về thế nào là nhạc tiền chiến, thế nào là nhạc trữ tình, thế nào là bolero. Tôi gần như là ca sĩ trẻ đi tiên phong mở phòng trà chỉ để hát các tác phẩm nhạc xưa của các nhạc sĩ trước năm 1975. Khán giả nào mà thích nghe nhạc đỏ là tôi lại giới thiệu sang phòng trà của NSND Thanh Hoa. Khán giả nào thích nghe nhạc trẻ là tôi lại giới thiệu cho khách đến bar. Khán giả đến phòng trà của tôi, trong lúc nghệ sĩ đang biểu diễn, nhiều khi thở to một chút là cũng nghe thấy. Nói thật là từ sau khi phòng trà của tôi đóng cửa, tôi chưa thấy có phòng trà nào sau này tại Hà Nội làm được như tôi đã làm.
Tôi là người rất cầu kỳ cho mỗi đêm diễn. Vì không muốn khá giả nhàm chán thì bản thân mình phải là người trực tiếp biên tập và sản xuất, việc mời ca sĩ cũng là do tôi làm hết. Do vậy, những ai đã từng đến với phòng trà 92 Trấn Vũ của tôi thì là họ sẽ quay lại và ủng hộ tiếp. Khách tới phòng trà, tất nhiên, tất cả là những người mê nhạc xưa, tiền chiến và trữ tình. Với đầy đủ các tầng lớp xã hội, nghề nghiệp khác nhau, nhưng có một điểm chung là họ đều là những người có ý thức nghe nhạc, ý thức cộng đồng rất cao.
Anh thường mời ca sĩ nào đến phòng trà hát ngày đó?
- Ca sĩ tôi mời tới phòng trà hát thì nhiều nhưng ca sĩ hát hay được ở sân khấu phòng trà là rất ít. Ngày đó, ca sĩ thường xuyên mà tôi luôn muốn có tại phòng trà của mình là NSƯT Đức Long, NSƯT Mai Hoa, ca sĩ Quỳnh Hoa, ca sĩ Tuyết Tuyết, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng, ca sĩ Minh Thu... Họ đều có điểm chung là đam mê, hát bằng trái tim.
Anh có thể chia sẻ thêm về phòng trà ca nhạc ở Hà Nội?
- Phòng trà ca nhạc có từ năm 1946 tại Hà Nội. Qua nhiều thời kỳ khác nhau, trải qua nhiều biến cố lịch sử thì có tên gọi là phòng trà ca nhạc, nghĩa là nghe nhạc trong khán phòng. Ở đó người ta thưởng thức âm nhạc là chính, do vậy, quy cách sân khấu, biên chế ban nhạc ở phòng trà vẫn vậy thôi. Chỉ có mục đích kinh doanh về sau này có khác xưa. Họ kinh doanh và bán tất cả những gì có thể để có thêm doanh thu như: rượu, bia...
Đương nhiên không gian phòng trà cũng sẽ thay đổi
Khán giả Hà Nội nghe nhạc rất khó tính. Đa số họ đi nghe nhạc thường đặt nặng về nghệ thuật cao hơn giải trí. Có những khán giả đến nghe ca sĩ hát, đôi khi nghe hát là phụ, ngồi lắng nghe để tìm bắt lỗi là chính. Do vậy thường xảy ra hai khuynh hướng nghe nhạc khác nhau giữa người Bắc và Nam. Đa phần khi đến các buổi biểu diễn xem và nghe các ca sĩ, mục đích của người Nam là đi để giải trí cho một tuần làm việc mệt nhọc. Từ đó cũng có thể lý giải được phần nào về việc ca sĩ ngoài Bắc hát đa phần dùng học thuật áp dụng vào xử lý tác phẩm nhiều hơn các ca sĩ miền Nam.
Kinh doanh phòng trà ca nhạc cũng là những trải nghiệm khó quên trong đời anh? Và dừng lại công việc đó, cũng làm cho nhịp sống của anh có những thay đổi?
- Thời gian làm phòng trà đó mệt nhưng vui. Năm 2013, tôi nghỉ kinh doanh ngoài Hà Nội khi chủ cho thuê địa điểm tăng giá nhà lên gấp đôi, và thời điểm đó kinh tế Việt Nam suy thoái nên ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh. Sau khi đóng phòng trà, tôi đi hát cho các chương trình ca nhạc bên ngoài, gần như bắt đầu lại con đường âm nhạc khi tuổi không còn trẻ.
Nhạc sĩ nào để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất qua tiếp xúc, làm việc?
- Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là người mà tôi yêu quý và kính trọng nhất. Ông là người đã cất công từ Sài Gòn bay ra Hà Nội chỉ để gặp tôi khi ông vô tình nghe ba bài của ông mà tôi đã hát: “Bơ vơ”, “Tiếng hát lạc loài” và “Tình yêu đến trong giã từ”. Sau lần gặp đó, tôi và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thường xuyên gặp nhau, lúc ở Sài Gòn, khi ở Hà Nội. Lúc thì gặp nhau về công việc liên quan đến âm nhạc, khi thì gặp nhau chỉ để thầy trò, bố, con uống với nhau ly cà phê. Và sau này, mỗi lần nhìn thấy một chiếc xe Vespa 150 nào đó là tôi nhớ và liên tưởng ngay tới nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, vì mỗi lần ông ra Hà Nội biểu diễn hoặc chơi với tôi thì hai bố con lại rong ruổi trên chiếc xe này cà phê khắp Hà Nội. Ông mất rồi. Tôi buồn. Đến hơn một năm sau tôi mới dám hát lại các bài hát của ông, vì mỗi khi hát là tôi lại khóc không hát nổi.
Khi không đi lưu diễn, cuộc sống hàng ngày của anh ở TP HCM ra sao?
- Có vẻ không khác gì lắm thói quen khi còn ở Hà Nội: Sáng ngủ dậy, cùng với chiếc xe Vespa 150, hoặc Mobylet lang thang cà phê. Tối đi hát tại phòng trà. Nhưng ở giữa Sài Gòn này sẽ khó có thể trà đá vỉa hè với đám bạn thân, mỗi lần đi diễn về khuya rồi một mình đi xe ngang qua từng Bờ Hồ, góc phố... Giờ, tôi thấy nhớ những khoảnh khắc yên bình, tĩnh tại của Hà Nội về khuya.
Xin cảm ơn anh!