Ca sĩ Tuấn Hiệp chuyển vào TP.HCM hơn 6 năm. Ngoài công việc chính của một ca sĩ, Tuấn Hiệp là gương mặt nghệ sĩ tích cực tham gia vào các nhóm thiện nguyện. Nơi nào mời Tuấn Hiệp hát với mục đích thiện nguyện, anh sẵn sàng nhận lời.
Lần đầu tiên, Tuấn Hiệp chạm chân đến thành phố phương Nam là vào mùa hè năm 1994. Khi anh còn là một cậu bé mới lớn, một mình bắt tàu vào miền Nam với sự háo hức về một miền đất mà chỉ được nghe qua sách vở, nghe qua người lớn kể cho nghe.
Khi đã trở thành một ca sĩ, Tuấn Hiệp có nhiều cơ hội đến với thành phố nhiều hơn, biết thành phố nhiều hơn, gần với con người ở vùng đất này nhiều hơn và thấu hiểu họ hơn: “Ở đó là sự thân thiện, thật và thẳng thắn, nghĩ gì nói đấy, và luôn tôn trọng đời sống cá nhân của người xung quanh”.
Học tập và sống ở Hà Nội khoảng 20 năm, Tuấn Hiệp cảm thấy cần thay đổi và tìm cho mình một môi trường mới để phát triển nghề nghiệp. Khi chuyển cả gia đình vào đây, anh đã không còn trong biên chế nhà nước. Là một ca sĩ tự do, cũng như môi trường dòng nhạc xưa ở TP.HCM đã giúp anh có nhiều cơ hội phát triển hơn ngoài Hà Nội.
“Chắc có lẽ tôi có nhiều duyên nợ với TP.HCM. Nơi đây đã cho tôi nhiều trải nghiệm, mang lại cho tôi nhiều ký ức đẹp về tình người”. Nhớ lại mùa hè năm 1994, Tuấn Hiệp đã từng lăn lộn trên nhiều ngả đường thành phố với đủ thứ việc để có tiền. Nghề đầu tiên khi anh đặt chân tới đây là kéo xích lô chở xà bần.
Trong một lần chở xà bần ở phường 7, quận 8, anh không may khi bị cả xe xích lô chở xà bần đè lên 2 chân. May thay lúc đó có một nhóm học sinh mặc áo dài trắng đi trên những chiếc xe đạp mini rất đẹp, thấy anh bị thương nặng và khuỵu xuống, ngay lập tức, họ dừng lại, người bới xà bần, người nhấc xe xích lô ra để anh có thể đứng dậy và tiếp tục công việc của mình. Sau đó Tuấn Hiệp quyết định trở về Bắc để học tiếp. Mỗi lần trở lại, Tuấn Hiệp luôn thấy TP.HCM như là mảnh đất thân thuộc của anh. Ở đây có những con người đã làm anh thay đổi cách nghĩ, cách sống theo hướng tích cực và nhân văn. Anh có nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp từ những lần bay vào thành phố để biểu diễn. Cũng vì thế, anh không mất nhiều thời gian để tìm hiểu, thích nghi và gây dựng cho mình những mối quan hệ công việc, bạn bè, đồng nghiệp như các nghệ sĩ khác: “Tôi may mắn gặp và có nhiều anh em bạn bè, đồng nghiệp quý mến và trân trọng. Họ thực sự là những người, luôn cho tôi thấy một Sài Gòn thân thiện và đầy tình người bằng những hình ảnh và công việc thiết thực như quyên góp tiền đi làm thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo khổ hơn mình. Tôi có nhiều may mắn khi quanh mình là những người bạn chân thành và nhân văn”.
Khi đã chọn thành phố là nơi gắn bó, hòa hợp với tinh thần người dân nơi đây, Tuấn Hiệp càng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Không những làm thiện nguyện bằng tiếng hát của mình, có những chương trình, ban tổ chức cần những vật phẩm để đấu giá, bằng mối quan hệ của mình, với cầu thủ bóng đá thì anh xin áo có chữ ký, họa sĩ thì anh xin tranh… Bất kể vật phẩm gì mà giá trị về vật chất và tinh thần để có thể đấu giá thành tiền, Tuấn Hiệp đều mang về giúp ban tổ chức.
“Những việc làm đó, tôi luôn tự nguyện với suy nghĩ là cảm ơn người Sài Gòn và muốn làm được nhiều điều hơn thế nữa để có thể giúp nhiều người hoàn cảnh khó khăn tại thành phố này”, Tuấn Hiệp chia sẻ.
Là người cẩn thận và lo xa, nhất là với hai con nhỏ thì anh càng chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống mùa dịch sao cho yên tâm và an toàn. Ngay từ ngày đầu dịch Covid-19 chớm bùng phát, Tuấn Hiệp đã sớm mua khẩu trang đủ cho cả nhà dùng một năm. Nhưng đến thời điểm này dịch bệnh đã kéo dài hơn một năm, những nghệ sỹ như anh coi như thất nghiệp, không có thu nhập gì mà mọi chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cho một gia đình bốn người vẫn phải duy trì với khó khăn vất vả hơn.
“Phải giãn cách toàn thành phố là điều không mong muốn với bất kỳ ai, đặc biệt lại là một thành phố lớn như TP.HCM, vì sự khác biệt rất nhiều so với nhiều thành phố trong cả nước. Những người thân và bạn bè của tôi đến từ khắp các mọi miền đất nước, họ đều là những người luôn sống có trách nhiệm với thành phố. Trong thời gian giãn cách này, đa số những người bạn của tôi đều ảnh hưởng về kinh tế, nhưng họ vẫn chủ động và thường xuyên có những kêu gọi quyên góp từ thiện, có những bữa cơm miễn phí cho người nghèo vượt qua mùa dịch. Thời điểm mà, cứu đói người nghèo qua mùa dịch là điều cần nhất”.
Từ đầu đợt dịch, ca sĩ Tuấn Hiệp cùng những người bạn của mình, tiếp tục cùng nhau kêu gọi lương thực thực phẩm, tài vật, vật phẩm thiết yếu cho các vùng dịch phía Bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang... Bây giờ TP.HCM đang giãn cách, các anh lại cùng nhau làm những điều cấp thiết nhất đến với dân nghèo, đến với những người kém may mắn hơn mình, khó khăn hơn mình. “Tôi chỉ mong người nghèo hơn mình không bị đói vì dịch bệnh”, ca sĩ Tuấn Hiệp tâm sự.