Chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, 20 ngày đầu tháng 1/2021, miền Bắc sẽ trải qua khoảng thời gian khắc nghiệt nhất trong mùa đông năm nay do ảnh hưởng 4-6 đợt không khí lạnh.
Từ đêm ngày 7/1, Bắc bộ tiếp tục đón một đợt không khí lạnh tăng cường, mang theo lượng ẩm lớn gây mưa cho toàn vùng, tạo hình thái rét ẩm. Khu vực Hà Nội trong những ngày này nền nhiệt chỉ ở mức 9-13 độ C. Sau đó, mưa sẽ kết thúc, từ ngày 11/11, Bắc bộ chuyển sang thời kỳ rét khô nên thời tiết sẽ rất rét và buốt.
Chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, 20 ngày đầu tháng 1/2021, miền Bắc sẽ trải qua khoảng thời gian khắc nghiệt nhất trong mùa đông năm nay do ảnh hưởng 4-6 đợt không khí lạnh.
Tháng cao điểm rét
Trong những ngày đầu năm 2021, miền Bắc đang trải qua một đợt rét đậm rét hại hiếm có. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (KTTVQG), trong tháng 1 này, không khí lạnh hoạt động mạnh, nên sẽ xuất hiện nhiều ngày rét kéo dài. Dù vậy, các chuyên gia thời tiết đánh giá, đợt rét trên ở miền Bắc có cường độ không bằng đợt rét kỷ lục hồi tháng 1/2016.
Trung tâm Dự báo KTTVQG nhận định từ ngày 5/1, nền nhiệt sẽ tăng dần dù trời vẫn rét. Tuy nhiên, khoảng ngày từ ngày 7/1 đến ngày 10/1, không khí lạnh liên tiếp tăng cường xuống nước ta, nền nhiệt giảm và khiến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên trời rét, có nơi rét đậm, rét hại với nhiệt độ dưới 6 độ C; riêng Bắc Bộ xuất hiện sương mù vào sáng sớm.
Giai đoạn này người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xuất hiện như sương muối, băng giá tại khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Nhận định diễn biến thời tiết trong tháng 1/2021, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo KTTVQG ) cho biết: Năm nay nhiệt độ trung bình tháng 1/2021 thấp hơn so với nền nhiệt trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng từ 0,5-1 độ C. Dự báo thời tiết 3 tháng đầu năm, ông Hưởng cho biết nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đây cũng là đặc điểm do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina duy trì đến nửa đầu năm 2021.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đã đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại chủ động đối phó với hiện tượng thời tiết này. Các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh. Đồng thời triển khai các biện pháp để giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt tuyên truyền, cảnh báo người dân không sưởi bằng lò đốt than trong nhà kín có thể gây tử vong do ngạt khí.
TS Ngô Tiền Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ khí tượng thủy văn khuyến cáo: Rét đậm, rét hại không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cho người dân, nhất là người cao tuổi, trẻ nhỏ…, mà còn có khả năng cao gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, người dân kiểm tra, che kín gió lạnh tràn vào nhà; tuyệt đối không sưởi ấm bằng bếp than tổ ong trong phòng kín; mặc quần áo mỏng nhiều lớp, giữ ấm phần đầu, cổ, ngực, chân, tay…
Trong sản xuất nông nghiệp, người chăn nuôi khẩn trương kiểm tra và che chắn chuồng trại; không chăn thả gia súc, gia cầm ngoài trời khi nền nhiệt xuống dưới 15 độ C; bổ sung muối, thức ăn giàu tinh bột trong khẩu phần ăn... Đối với cây trồng, đặc biệt là rau màu ngắn ngày, người dân có thể thu hoạch sớm hoặc tưới nước cho rau vào sáng sớm để giảm tác động khi Mặt trời lên…
Đề phòng nguy cơ đột quỵ và các bệnh tim mạch
Theo thông tin từ BV Tim Hà Nội, những ngày gần đây, bệnh viện tiếp nhận 1.400 - 1.500 bệnh nhân đến khám/ngày, tăng khoảng 10% so với thời điểm bình thường.
Hiện tượng lạnh sâu làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não. Nhiều người trời lạnh thường ít vận động, dẫn tới tăng cân cũng là yếu tố làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não.
Bệnh xảy ra do tắc mạch máu dẫn tới việc lưu thông máu đến não bị ảnh hưởng. Khi máu không đến được não, bộ phần này sẽ bị thiếu oxy và ngưng trệ hoạt động. Tình trạng này diễn ra chỉ trong vài phút đã có thể khiến các tế bào não bắt đầu chất dần và gây tử vong. Theo đó, khi trời trở lạnh, số bệnh nhân nhập viện do biến chứng cao huyết áp tăng rõ rệt.
Một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, có gần 70% người bệnh không biết mình bị cao huyết áp cho đến khi đột ngột bị tai biến mạch não, liệt, hôn mê. Trời rét sẽ làm co mạch khiến huyết áp tăng vọt, dễ gây ra tai biến. Nhất là với người già, khi ra khỏi chăn ấm là lúc dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, đau thắt ngực.
Ghi nhận tại một số bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội cho thấy, khoảng 1 tuần trở lại đây, số bệnh nhân là người cao tuổi tới khám và nhập viện do ảnh hưởng của thời tiết giá rét tăng khá cao. Tại BV Lão khoa Trung ương, mỗi ngày có trên 10 trường hợp đột quỵ được đưa vào đây cấp cứu và hầu hết trong tình trạng nặng.
Đại diện Khoa Cấp cứu và Đột quỵ - BV Lão khoa trung ương, cho biết, trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, lượng bệnh nhân vào cấp cứu tăng lên, chủ yếu liên quan đến bệnh viêm phổi và đột quỵ. Đáng lưu ý, bệnh nhân đột quỵ có các tiền sử bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, tuyến tiền liệt chiếm tỷ lệ khá nhiều. Những bệnh nhân dạng này khi bị đột quỵ thường trong tình trạng liệt nửa người và rất nặng.
Trong khi đó, theo Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai, số bệnh nhân cấp cứu tại đây cũng tăng khoảng 30%. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, nơi đây đã tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp bị đột quỵ, trong đó không chỉ có người cao tuổi mà còn nhiều bệnh nhân trẻ, nhiều bệnh nhân dưới 18 tuổi đã bị bệnh này liên quan đến các nguy cơ như tăng huyết áp, nghiện thuốc, béo phì…
Để phòng tránh rét, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý giữ ấm cơ thể, ăn đủ chất dinh dưỡng, uống đồ ấm. Với trẻ em, thực hiện tiêm vaccine phòng các bệnh liên quan; đeo khẩu trang, mặc đủ ấm cho bé khi ra đường. Tránh cho trẻ không tiếp xúc người đang bị cảm cúm. Ðối với người cao tuổi, không nên ra ngoài trời tập thể dục vào sáng sớm, khi trời còn nhiều sương và gió mạnh.
Ðáng chú ý, người dân cần đặc biệt cảnh giác với các tai nạn trong quá trình sưởi ấm, như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín; bỏng lửa, bỏng do tai nạn lò sưởi, quạt sưởi.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt than, củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, ôxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại hoặc CO2 sẽ ngày càng tăng. Có thể sử dụng than củi sưởi trong thời gian ngắn nhưng cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng. Người dân cần tắt lửa triệt để khi không sử dụng.