Một con cá voi có màu xanh, dài khoảng 8m, có cơ thể to hơn như một chiếc thuyền vừa được ngư dân phát hiện tại khu vực bờ biển xã xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá).
Ngày 20/9, anh Lê Trương Mít (30 tuổi, trú thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường) cho biết, vào khoảng 12h ngày 12/9, khi đang đánh bắt hải sản tại vùng biển Hoằng Hoá, anh cùng một ngư dân phát hiện con cá voi khổng lồ màu xanh, dài khoảng 8m.
"Lúc đó, tôi vừa đánh lưới xong, đang neo đậu bè để nghỉ thì phát hiện con cá voi đang bơi lội và liên tục nổi lên ở phía xa, rồi dần dần tiến gần lại bè" - anh Mít kể.
Được biết, vị trí phát hiện cá voi cách bờ xã Hoằng Trường khoảng 26 hải lý. Đây là đầu tiên ngư dân thấy cá cá voi ở vùng biển này.
Theo một số người đi biển lâu năm ở Hoằng Trường, loài cá trên có thể là cá voi Balaenoptera edeni, tên thường gọi là cá voi Bryde. Loài này tương đối phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.
Thông thường, con đực có kích thước từ 12 - 13 m, trong khi con cái lớn hơn một chút, từ 13 - 14 m. Cả hai giới đều nặng từ 13,6 tấn đến 15 tấn. Cơ thể của chúng có màu xám khói sẫm ở trên, sau đó khuếch tán thành màu hồng ở dưới. Với mào hình chữ V, đầu của chúng chiếm 25% cơ thể và có 3 gờ trên đỉnh chạy từ đầu mõm đến trước lỗ thở.
Cá voi Bryde sống ở vùng nước ấm của đại dương, với nhiệt độ dao động từ 15 đến 20 độ C. Chúng là sinh vật sống ven biển và sống nổi thường đi theo nguồn thức ăn của chúng. Đây là loài động vật hoang dã quý hiếm thuộc Phụ lục I của Công ước CITES cấm buôn bán vận chuyển quốc tế…
Sau khi chứng kiến sự xuất hiện của voi, nhiều ngư dân tỏ ra mừng rỡ vì điều rất đáng mừng, là một tín hiệu tích cực cho thấy môi trường biển gần bờ của Thanh Hóa được cải thiện, có nhiều thức ăn.
Tháng 7 vừa qua, tại vùng biển Đề Gi (Bình Định), người dân cũng đã phát hiện một cặp mẹ - con cá voi bắt mồi nhiều ngày liền.