Quốc hội

Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội

Việt Thắng 30/05/2024 16:36

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho hay các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Nợ công bình quân đầu người là 35,77 triệu đồng/người, giảm 0,94 triệu đồng/người so với năm 2021.

Chiều 30/5, Quốc hội nghe Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Qua kết quả kiểm toán, về nợ công cho thấy, dư nợ công đến 31/12/2022 là 3.557.668,28 tỷ đồng giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% GDP. Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Nợ công bình quân đầu người là 35,77 triệu đồng/người, giảm 0,94 triệu đồng/người so với năm 2021.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quang Vinh)
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quang Vinh)

Qua kiểm toán cho thấy, năm 2022 có 7 khoản vay ngân quỹ nhà nước của Ngân sách Trung ương (NSTW) đến hạn trả nợ phải gia hạn nợ 258.864,5 tỷ đồng, Bộ Tài chính phê duyệt gia hạn và ký hợp đồng gia hạn chậm từ 3-6 tháng kể từ ngày hết hạn. Một số chỉ tiêu nợ công phản ánh trên bản tin nợ công còn chưa chính xác.

Về quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN), qua kiểm toán cho thấy Bộ Tài chính chậm gửi Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 so với quy định. Còn tình trạng HĐND của một số địa phương phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) không đúng thời hạn quy định. 23 địa phương được HĐND phê chuẩn báo cáo quyết toán NSĐP nhưng chưa điều chỉnh đầy đủ số liệu theo kiến nghị của KTNN tại các báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, trong đó có 12 địa phương chưa điều chỉnh giảm quyết toán, giảm chi chuyển nguồn NSĐP, giảm kết dư NSĐP để nộp trả NSTW số tiền 1.488,036 tỷ đồng.

Theo báo cáo, kiến nghị của KTNN điều chỉnh báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chưa được Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh trong báo cáo quyết toán NSNN năm 2022. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi báo cáo quyết toán không đúng thời gian theo quy định. 6 bộ, cơ quan trung ương đến thời điểm kết thúc kiểm toán (8/3/2024) Bộ Tài chính chưa có thông báo thẩm định số liệu quyết toán năm 2022.

Bộ Tài chính ban hành thông báo thẩm định quyết toán nguồn viện trợ năm 2022 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong đó không đồng ý việc chuyển nguồn 8,011 tỷ đồng tại 2 bộ chưa phù hợp quy định Nghị định 163/2016/NĐ-CP. Ngoài ra, tại thời điểm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại Bộ Y tế, KTNN không đủ cơ sở có ý kiến đối với quyết toán nguồn viện trợ. Sau thời điểm kiểm toán, Bộ Tài chính đã ban hành thông báo thẩm định, tổng hợp vào Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về số liệu thẩm định quyết toán theo quy định.

Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023 cho thấy kiến nghị tài chính đối với kiến nghị kiểm toán năm 2022 (niên độ kiểm toán năm 2021). Đến 31/12/2023 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi NSNN 31.719,05 tỷ đồng đạt tỷ lệ 91,69%; kiến nghị khác 30.566,16 tỷ đồng đạt tỷ lệ 82,72%.

KTNN đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội việc xử lý, quyết toán vào niên độ NSNN năm 2023 đối với các trường hợp Chính phủ không điều chỉnh được số liệu quyết toán NSNN năm 2022 liên quan đến NSTW theo Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội đã được KTNN kiến nghị tại các Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, quyết toán NSĐP.

KTNN kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư thực hiện kiến nghị của KTNN tại Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại 2 Bộ. Trong đó, Bộ Tài chính tổ chức rà soát và chịu trách nhiệm về việc chuyển nguồn đối với các dự án viện trợ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo tuân thủ theo quy định Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Rà soát để thu hồi, nộp NSNN đối với nguồn vốn dự phòng NSTW năm 2022 hết thời hạn giải ngân theo quy định (số dư đến thời điểm hết thời hạn giải ngân ngày 31/12/2023 theo kho bạc nhà nước cung cấp 572.625.494.680 đồng).

Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong đó kiến nghị xử lý tăng thu giảm chi NSNN của KTNN đối với niên độ ngân sách 2022 là 21.346,33 tỷ đồng; kiến nghị khác 28.595,09 tỷ đồng. Sửa đổi hoàn thiện cơ chế chính sách của 198 văn bản, gồm: 1 luật, 8 nghị định, 5 quyết định, 27 thông tư và 157 văn bản khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội