Ngày 16/2, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức gặp mặt 210 đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão năm 2023.
Dự hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài.
Tại buổi gặp mặt, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, đội ngũ trí thức, nhà khoa học vui mừng với kết quả to lớn mà Đảng, Nhà nước đạt được trong năm qua 2022, được nhân dân đồng tình, thế giới thán phục. Theo đó, tăng trưởng kinh tế vượt hơn 8%, vượt xa so với kế hoạch đã đặt ra trong khi kinh tế thế giới vẫn ảm đạm. Việt Nam cũng là nước đứng đầu Đông Nam Á về kinh tế số trong năm 2022. Thành quả đó khiến đội ngũ trí thức và các nhà khoa học cảm thấy tự hào, tiếp tục phấn đấu làm việc theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, trong suốt thời gian qua, hơn 4 vạn văn nghệ sĩ đã luôn đồng hành cùng dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, niền tin trong nhân dân về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh tại hội nghị văn hoá toàn quốc là văn hoá là hồn cốt của dân tộc, văn hoá còn thì dân tộc còn.
Tuy nhiên ông Quân cũng thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển của văn hoá vẫn chưa tương xứng với thành tựu, tiềm năng, chưa đạt cũng như đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, “vắng bóng” các công trình tầm vóc, còn lúng túng nghiệp dư trong sáng tạo trước sự lên ngôi của yếu tố thị trường, văn hoá ngoại lai phản cảm tràn ngập từ thành thị đến nông thôn. Đây là những vấn đề trăn trở cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ông Quân kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chăm lo để các văn nghệ sĩ nước nhà phát triển, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Muốn thế các tài năng cần được phát hiện sớm, tôi luyện và trọng dụng. Bởi chăm lo đào tạo cho lực lượng này chính là chăm lo cho những “chiến sĩ trong mặt trận văn hoá”. Vì thế trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội cần lồng ghép gắn với chiến lược phát triển văn hoá quốc gia, tăng cường “sức mạnh mềm” để đưa Việt Nam ra thế giới.
GS.TS. Nhà giáo ưu tú Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội kiến nghị, cần quan tâm đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học để có các đại học xuất sắc, cạnh tranh các đại học trên thế giới. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên cho đầu tư sau đại học. Và đây là vấn đề cần có xã hội hoá nên cần có hành lang pháp lý thông qua các cơ chế gắn với sự minh bạch để tháo gỡ điểm nghẽn giữa nhà trường-doanh nghiệp.
“Hiện đào tạo sau đại học chưa có sự tăng trưởng khi thạc sĩ mới có 5%, tiến sĩ là 0,6%. Thấp hơn nhiều hơn so với thế giới và kéo theo sự sụt giảm nguồn nhân lực chất lượng cao trong đổi mới sáng tạo khi đây là đội ngũ “tinh hoa” về công nghệ trình độ cao”-ông Tuấn nói và mong Chính phủ xây dựng chính sách trọng dụng nhân tài để các nhà khoa học có thể nghiên cứu chuyên sâu để phát triển, tạo ra những sản phẩm có tầm cỡ trên thế giới.
NSND Trịnh Hồng Lựu, Chủ tịch, Giám đốc trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, trong thời gian qua nghệ thuật đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, từ chiến tranh cho đến hoà bình xây dựng đất nước. Vừa qua các tác phẩm nghệ thuật, sân khấu đã đi thẳng vào các vấn đề thời sự của đất nước để đẩy lùi thói hư tật xấu khi nói thẳng về tham nhũng.
Theo bà Lựu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Văn hoá mất là mất dân tộc”. Còn tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hoá còn thì dân tộc còn”. Do đó Đảng, Nhà nước cần quan tâm xây dựng nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, tinh thần yêu nước. Muốn vậy cần đầu tư tương xứng cho văn hoá, tránh việc đầu tư nhỏ giọt.
GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ, kiều bào Nga, là người tham gia thành lập Viện Công nghệ VinIT mong muốn Đảng, Nhà nước lắng nghe các ý kiến góp ý của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và có chế độ đãi ngộ kịp thời để họ đem công sức cống hiến cho sự phát triển của đất nước, phục vụ nhân dân.
Do đó ông Sỹ kiến nghị, trong phát triển khoa học công nghệ cần lấy tiêu chí ứng dụng lên hàng đầu, đầu tư cho khoa học công nghệ có trọng tâm trọng diểm, có thứ tự ưu tiên, gắn với thị trường.
“Hiện chúng ta có hơn 5,3 triệu kiều bào sinh sống ở hơn 130 nước, trong đó có 500 ngàn là đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Nếu biết thu hút, trọng dụng, họ sẽ cống hiến cho đất nước. Cho nên trong các dự án có thể mời họ tham gia trực tiếp hoặc kết nối trực tuyến”-ông Sỹ cho hay.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến góp ý hết sức xác đáng của các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.
Ông Thưởng nhấn mạnh, năm 2022 tình hình thế giới và trong nước bên cạnh thuận lợi thì có nhiều khó khăn nhưng với sự sự nỗ lực toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, đất nước đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, vào nhóm 25 nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại.
Nhắc lại câu nói mà các bậc tiền nhân đã dạy: Phi trí bất hưng, hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu, ông Thưởng nhấn mạnh, ngay khi nước nhà gặp khó khăn, Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm đến thu hút nhân tài cho cuộc kháng chiến cứu quốc. Bác Hồ đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”.
Ông Thưởng cũng cho rằng, ngày nay với dân số gần 100 triệu người và hơn 5 triệu đồng bào ta ở nước ngoài thì người có tài, có đức sẽ nhiều hơn rất nhiều. Ông Thưởng nhấn mạnh: “Đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ chính là nguyên khí quốc gia, là vốn quý của dân tộc như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định. Nói đến các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trước tiên là nói đến tài năng, tâm huyết, lòng yêu nước, sự mẫn cảm với thời cuộc, tinh thần trách nhiệm với quốc gia, dân tộc, với nhân dân. Đảng, Nhà nước luôn chăm lo tạo mọi điều kiện tốt nhất trong điều kiện và khả năng có thể thúc đẩy, giải phóng năng lượng nghiên cứu, sáng tạo trí thức mọi thể nghiệm, tìm tòi của đội ngũ nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước trên tinh thần cũng chia sẻ và nhân lên tình yêu, niềm cảm hứng, khát vọng và quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam”.
Để tiếp tục xây dựng, phát triển, phát huy sứ mệnh, vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, các cấp tiếp tục quán triệt nhận thức về vị trí, vai trò, tầm trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế theo hướng tạo động lực để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển năng lực, tạo cơ hội, điều kiện cần thiết để cống hiến. Xây dựng cơ chế chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài trong và ngoài nước. Thật sự tôn trọng và có cơ chế phù hợp để nâng cao chất lượng tư vấn, phản biện của chuyên gia đối với những vấn đề của đất nước.
Nhắc tới thời gian 5 năm từng làm công tác tuyên giáo và cho đến nay ở cương vị Thường trực Ban Bí thư, ông Thưởng khẳng định vẫn luôn luôn lắng nghe các góp ý xác đáng hợp lý của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ để kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Thường trực Ban Bí thư cho biết, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nước nhà có vai trò quan trọng, có ý nghĩa then chốt với vận mệnh và tương lai của dân tộc. Từ đó, ông Thưởng đề nghị, các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tiếp tục tận tâm, tận hiến với quốc gia dân tộc, “giữ vững cốt cách tinh thần như tùng, như bách”, không ngừng phát huy tài năng, trí tuệ, tăng cường đoàn kết, hợp tác, chú trọng đào tạo, dìu dắt thế hệ kế cận, sẵn sàng gánh vác trọng trách trong tương lai, vì một nước Việt Nam cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc.
Ông Thưởng cũng tin tưởng đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để có thêm những thành tựu mới, đóng góp xứng đáng vào sự vững mạnh của dân tộc, tiếp tục bồi đắp và làm rạng rỡ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam.