Mặt trận

Các tôn giáo đoàn kết xây dựng quê hương

QUỐC ĐỊNH 17/12/2023 09:57

Tại TPHCM, thời gian qua MTTQ các địa phương đã đưa ra nhiều sáng kiến, đồng thời triển khai không ít mô hình, giải pháp hiệu quả về đoàn kết các tôn giáo. Trong đó phải kể đến "Giải pháp họp mặt, giao lưu chức sắc các tổ chức tôn giáo” ở huyện Hóc Môn và “Giải pháp tổ chức đoàn chức sắc, chức việc tôn giáo về nguồn” tại Quận 1.

anh-3.doan-chuc-sac-cac-to-chuc-ton-giao-huyen-hoc-mon-tham-quan-nha-tho-chanh-toa-giao-phan-da-lat..jpg
Đoàn chức sắc các tổ chức tôn giáo huyện Hóc Môn tham quan Nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt.

Tạo động lực cùng nhau vượt khó

Trong đợt họp mặt giao lưu tại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) mới đây, ông Trần Văn Khuyên - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Hóc Môn cho rằng, những buổi sinh hoạt như thế này là dịp vô cùng quý giá để các bên gặp gỡ giao lưu, lắng nghe cùng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với nhau. Từ đó, tăng tình đoàn kết và tạo động lực mới để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Ông Khuyên đưa ra một ví dụ điển hình về sự đoàn kết giữa các tôn giáo, đó là trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, qua lời kêu gọi của các lãnh đạo thuộc hệ thống chính trị huyện đã phát huy hiệu quả vai trò của chức sắc, chức việc các cơ sở tôn giáo trên địa bàn đồng hành cùng với địa phương.

Ngay lập tức các tín đồ, đồng bào có đạo đã hưởng ứng tham gia rất nhiệt tình bằng những việc làm cụ thể: người thì trực tiếp tham gia chống dịch ở tuyến đầu, người đóng góp và vận động kinh phí mua vaccine, người vận động hỗ trợ đồng bào đang gặp hoàn cảnh khó khăn do tác động bởi đại dịch…

“Tinh thần đó là cực kỳ cần thiết, và nên được nhân rộng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn mong muốn.

Là người có nhiều năm tham gia hoạt động này, Thượng tọa Thích Minh Thanh, Trưởng Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam huyện Hóc Môn nhận xét, đúc kết những lần có mặt, Thượng tọa thấy hình thức này rất hay, ý nghĩa. Vào các buổi sáng, mọi người ngồi uống nước, các vị hỏi thăm sức khỏe, công việc của nhau, từ đó tạo tình cảm, sự cảm thông, chia sẻ.

Theo Thượng tọa, ở Hóc Môn những phong trao do Mặt trận phát động, các tôn giáo đều tự ý thức triển khai rất tích cực, trong đó có nhiều phong trào như: hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn; hoạt động phối hợp giữa các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hay như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… được phối hợp thực hiện hiệu quả. “Các chương trình này nên được duy trì phát triển. Tuy nhiên cần liên tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, địa điểm gặp mặt để tránh sự nhàm chán và phù hợp với từng điều kiện cụ thể”, Thượng tọa Thích Minh Thanh đề nghị.

Theo bà Trương Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hóc Môn, Mặt trận huyện Hóc Môn đã duy trì và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với các tôn giáo địa phương.

Mặt trận cũng thể hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo trên địa bàn giúp các bên hiểu nhau hơn, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, đồng hành… góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác tôn giáo cũng như giúp hoạt động của tôn giáo ổn định, đúng quy định pháp luật.

anh-4-5.nhung-buoi-gap-go-giao-luu-giup-cac-ton-giao-chia-se-hieu-nhau-va-tang-them-tinh-doan-ket-1-.jpg
Những buổi gặp gỡ, giao lưu giúp các tôn giáo chia sẻ, hiểu nhau và tăng thêm tình đoàn kết.

Môi trường lý tưởng để sẻ chia

Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bắt đầu từ năm 2018, Mặt trận Quận 1 đưa ra sáng kiến, và tổ chức thực hiện “Giải pháp tổ chức đoàn chức sắc, chức việc tôn giáo về nguồn”.

Bà Dương Thị Hồng Gấm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Quận 1 cho biết, để hoạt động này được triển khai hiệu quả, những người thực hiện phải xây dựng các bước cẩn thận.

Trước hết là bước xây dựng dự thảo kế hoạch và trình Thường trực Quận ủy; tiếp đến là bước Triển khai đến các đơn vị, các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc, người có uy tín trên địa bàn quận; rồi tổng hợp danh sách, đi khảo sát địa điểm và các nội dung hậu cần chuẩn bị cho công tác tổ chức. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu mới tổ chức hoạt động về nguồn.

Theo bà Gấm, mỗi chuyến về nguồn, Mặt trận quận đều kết hợp đi đến những địa điểm di tích lịch sử, nhằm khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, cụ thể như: Dâng hương, hoa tại Khu di tích lịch sử Núi Minh Đạm, nhà lưu niệm và tượng đài chị Võ Thị Sáu tại huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); tham quan Khu di tích Nguyễn Thị Định (tỉnh Bến Tre); tham quan Khu di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh); thăm, giao lưu cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân; dâng hương tưởng niệm tại Đền tưởng niệm các chiến sĩ Đoàn tàu không số...

Kể từ khi thực hiện hoạt động này đã tạo được sự đồng thuận cao của các tôn giáo, từ đó thu hút khá đông chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo trên địa bàn quận tham gia.

“Thông qua chuyến sinh hoạt về nguồn đã góp phần củng cố mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền, đoàn thể với các tôn giáo; tạo môi trường giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái giữa các tôn giáo”, bà Gấm nhấn mạnh.

Nhờ những sáng kiến, cách làm hay, Giải pháp này đã được Thành phố tuyên dương các mô hình, giải pháp tiêu biểu giai đoạn 2019 - 2021.

Chia sẻ về những kinh nghiệm tổ chức địa địa phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Quận 1 cho rằng, cần phải tranh thủ được sự quan tâm, lãnh đạo, tạo điều kiện của Quận ủy; tranh thủ sự thống nhất, đồng thuận của các vị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo trên địa bàn, từ đó mời gọi được đông đảo số lượng chức sắc, chức việc tham gia các chuyến về nguồn hàng năm.

Đặc biệt là phải chuẩn bị chu đáo công tác hậu cần, nhất là việc đảm bảo việc dùng thức ăn, phong tục hoạt động cho phù hợp với từng đối tượng tôn giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các tôn giáo đoàn kết xây dựng quê hương