Là tác giả của sáng chế “Mắt thần – thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị” đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam và 6 sáng chế khác được cấp bằng ở nước ngoài, TS Nguyễn Bá Hải- giảng viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng thủ tục cấp bằng ở quốc tế và Việt Nam là như nhau. “Mất 2 năm để sáng chế “Mắt thần” được cấp bằng công nhận sáng chế độc quyền với các thủ tục, quy trình cần thiết. Điều này hoàn toàn bình thường và không hề nhiêu khê, khó khăn hơn các nước khác”, TS Hải cho biết.&n
TS Nguyễn Bá Hải cùng tình nguyện viên của Cty TNHH Kiến Bình Minh
chuẩn bị “Mắt thần” để tặng cho người khiếm thị ở Đà Nẵng (Ảnh: Laodong.com.vn).
Hiện TS Hải đã nghiên cứu sản xuất thành công máy pha café công nghệ kết hợp Nhật – Việt – Ý và hình thành chuổi café JAVI tạo việc làm cho người thu nhập thấp tại TP HCM. Sáng chế này đã được đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và đang chờ để cấp bằng.
Theo TS Hải, cách bảo vệ sáng chế tốt nhất chính là sáng tạo không ngừng trên chính sáng tạo của mình trước đó. Bởi dù người khác có muốn lấy cắp sáng chế của mình thì khi đó, mình đã sáng tạo ra cái khác hiện đại hơn, tính ứng dụng cao hơn, ưu việt hơn.
Bên cạnh đó, nhà khoa học phải phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước để triển khai ý tưởng, không nên ôm đồm một mình. “Mở rộng vòng tay kết nối, phối hợp với các doanh nghiệp là cách để các sáng kiến, sáng chế của nhà khoa học được hiện thực hoá. Việc chia sẻ quyền lợi với các doanh nghiệp là điều tất nhiên. Khi nhà khoa học bán công nghệ của mình, tham gia vào thị trường kinh tế thì chắc chắn công nghệ dở sẽ không ai mua. Ngược lại, công nghệ tốt thì thị trường sẽ tranh nhau mua”.
TS Hải dẫn chứng là máy pha cà phê sạch, ngon, nhanh theo công nghệ Việt – Nhật – Ý anh đang nghiên cứu và đã bán giải pháp pha chế cà phê này cho người dân kinh doanh. Họ thấy hiệu quả nên mua về sử dụng rất nhiều.
Chia sẻ thêm về vấn đề ứng dụng với sản phầm đầu ra của các nghiên cứu khoa học, TS Hải cho rằng trong nghiên cứu khoa học, đối tượng có thể hàng ngàn, số ý tưởng hay cũng có thể có hàng ngàn nhưng để chuyển thành dự án nghiên cứu ứng dụng được thì có lẽ chỉ đến hàng trăm. Trong hàng trăm cái đó chỉ một số ít làm ra được sản phẩm mẫu. Và chỉ vài cái có tính ứng dụng cao, có ý nghĩa.
Trong những sản phẩm có này chỉ một số rất ít có khả năng thương mại thật sự, ra được sản phẩm khách hàng cần mua, muốn mua. Thậm chí, cả khi đã thương mại hoá mà sản phẩm không “sống tốt” trên thị trường thì cũng không đem lại lợi ích gì cho xã hội và chính nhà khoa học.
Vì thế, khi sáng kiến phát minh mới chỉ là ý tưởng, nhà khoa học phải nhìn thấy giá trị thương mại mới đăng ký sáng chế bảo hộ độc quyền, tránh việc tốn tiền, tốn thời gian.
“Rất khó để nhà khoa học biến thành doanh nghiệp, nhưng nhà khoa học phải bán được sản phẩm trí tuệ của mình cho những đơn vị cần” – TS Hải nhấn mạnh.
5,57 tỷ đồng sản xuất thử nghiệm 1.000 kính “mắt thần” Bộ KH&CN và ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vừa ký kết hợp đồng thực hiện Đề tài độc lập cấp Quốc gia về “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, chế tạo mẫu kính điện tử cảnh báo vật cản cho người khiếm thị”. Số tiền 5,57 tỷ đồng được trích từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các nội dung nghiên cứu trong 1 năm như: hoàn thiện quy trình chế tạo kính điện tử và sản xuất ra 1.000 kính điện tử đầu tiên theo các tiêu chuẩn kỹ thuật được nhóm chuyên gia - hội đồng đánh giá nội dung đề tài thuộc Bộ KH&CN góp ý. Đồng thời, trang bị thêm một số máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất cho đơn vị. TS Nguyễn Bá Hải - Chủ nhiệm đề tài cho biết, 1.000 kính sản xuất thử nghiệm sẽ được trao tặng cho những người khiếm thị có đủ một số điều kiện như khiếm thị hoàn toàn không thấy gì (hoặc chỉ phân biệt được sáng tối), nhu cầu đi bộ 500m/ngày trở lên, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc thuộc đối tượng ưu tiên đặc biệt. |