Sự thành công của các bộ phim nổi tiếng thế giới có cảnh quay tại Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim “bom tấn” của Hollywood. Tuy nhiên, để điện ảnh có thể “đồng hành” cùng du lịch vẫn còn đó những rào cản cần tháo gỡ…
Sức hấp dẫn từ các bộ phim
Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” sẽ được tổ chức tại Hollywood - kinh đô điện ảnh thế giới, từ ngày 21 - 28/9. Chương trình nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim từ kinh đô điện ảnh thế giới đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Đây là thông tin vừa được công bố tại tọa đàm “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới”, tổ chức tại Hà Nội.
Từ lâu điện ảnh là một trong những kênh quảng bá hiệu quả, giới thiệu hình ảnh, tạo ấn tượng, cảm nhận tích cực cho người xem. Ở đó, điện ảnh cung cấp thông tin của điểm đến như cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp văn hóa về miền đất, con người hay thậm chí một sản phẩm du lịch cụ thể đối với một quốc gia.
Thống kê mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia, tại Việt Nam thời gian qua, điện ảnh đã và đang góp phần không nhỏ quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số tác phẩm điện ảnh được sản xuất trong nước đã tạo được dấu ấn, định hướng thị hiếu, thu hút lượng lớn du khách tới điểm đến, địa danh xuất hiện trong bối cảnh phim.
Mặc dù không thể phủ nhận điện ảnh có thể mang lại cả tác động tiêu cực cho điểm đến nếu bộ phim ẩn chứa những cảnh quay, hành động hay nội dung phản cảm, đi ngược lại nhu cầu, thị hiếu của đa số người xem. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, đã có nhiều công ty du lịch khẳng định những chương trình du lịch theo dấu các nhân vật chính của những bộ phim nổi tiếng luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ du khách đam mê điện ảnh.
“Những điểm đến và quốc gia xuất hiện trong các bộ phim “bom tấn” được công chúng yêu thích luôn tạo ra tác động mạnh đến hoạt động du lịch, kéo theo sự tăng trưởng bùng nổ cả về lượng khách và doanh thu. Thực tế đã minh chứng, nhiều bộ phim với cốt truyện hay, cảnh quay đẹp, diễn xuất ấn tượng, sau khi được sản xuất và công chiếu đã có ảnh hướng lớn đến sự phát triển du lịch tại nơi được lựa chọn làm bối cảnh của bộ phim” - ông Siêu nói.
Giảm thủ tục rườm rà
Có thể nói, mặc dù mối liên kết giữa điện ảnh và du lịch đã được kiểm chứng thông qua các sự kiện, chương trình liên kết mà qua đó, các nhà làm phim đã ký kết hợp tác với chính quyền, góp phần quảng bá du lịch địa phương, thu hút du khách. Tuy nhiên, để mối liên kết này được bền chặt, cùng nhau đồng hành phát triển vẫn còn đó những nút thắt cần được tháo gỡ, đặc biệt là trong các vấn đề về thủ tục, kiểm duyệt, cấp phép...
TS Nguyễn Văn Tình - nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho rằng, có nhiều yếu tố, yêu cầu đối với đơn vị, tổ chức Việt Nam khi cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài, nhưng việc quan trọng đầu tiên là đối tác Việt Nam cần đọc kịch bản trước khi trình bộ hồ sơ xin phép lên Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) theo quy định. Nếu kịch bản có nội dung vi phạm các quy định của Luật Điện ảnh mà chúng ta thấy khó có thể sửa chữa được thì nên từ chối trước khi trình xin phép quay phim để khỏi mất thời gian và tiền bạc cho cả hai phía nước ngoài và Việt Nam.
TS Nguyễn Văn Tình cũng dẫn chứng, cần tránh tình trạng như bộ phim “Ngày mai không bao giờ chết” trước đây khi đối tác nước ngoài đã chuẩn bị xong bối cảnh, đã thuê một con tàu từ nước ngoài kéo vào để làm bối cảnh cho bộ phim ở vịnh Hạ Long. Họ đã mất 4 triệu đô la Mỹ cho giai đoạn chuẩn bị quay ở Việt Nam, sau đó, ta mới từ chối cấp phép cho bộ phim này được quay ở Việt Nam. Việc này đã gây hậu quả không tốt cho uy tín và việc hợp tác điện ảnh với nước ngoài của ngành điện ảnh, các hãng phim Hollywood và các nước phương Tây.
Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng đề xuất, lâu nay, chúng ta có lẽ chưa thực sự chủ động trong việc mời, gọi, hỗ trợ hay giới thiệu với các đoàn làm phim. Trong sự chủ động đó cần có sự phối hợp giữa các bên, cần có cơ chế huy động nguồn lực, kêu gọi phối hợp.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan thông tin, Luật Điện ảnh 2022 rất mới, có nhiều tiền đề, khung pháp lý để tạo cơ chế. Nhưng những cơ chế và văn bản dưới luật dường như chưa có. Cụ thể, về thủ tục có đơn giản hơn. Thí dụ như trước đây, nếu chỉ quay 1/10 diễn biến bộ phim ở Việt Nam thì Nhà nước vẫn duyệt kịch bản 100%. Còn hiện nay, chỉ cần tóm tắt kịch bản phần không quay ở Việt Nam, còn phần quay ở Việt Nam mới cần đưa kịch bản 100% cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để cấp phép.
Các hãng phim Hollywood mong muốn Việt Nam có nhiều công ty sản xuất, hậu cần phục vụ các đoàn phim quốc tế chuyên nghiệp hơn, nhằm bảo đảm các yêu cầu quốc tế. Hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều nhân lực chuyên nghiệp phục vụ các đoàn làm phim lớn. Điều này cũng ảnh hưởng đến các dự án phim có quy mô, đòi hỏi một lực lượng hậu cầu chuyên nghiệp hơn để thu hút các nhà làm phim quốc tế.