Sức khỏe

Cách nào giảm lo lắng, 'trầm cảm' sau kỳ nghỉ Tết?

Hoàng Chiến 04/02/2025 17:45

Theo chuyên gia tâm lý, nếu không nhận diện sớm và có cách ứng phó đúng với lo lắng, trầm cảm trong và sau Tết, chúng ta sẽ khó nhập cuộc trở lại với công việc sau kỳ nghỉ lễ một cách lành mạnh và hạnh phúc.

Uể oải trở lại công việc

Sau thời gian dài nghỉ Tết với rối loạn nhịp sinh học, áp lực công việc đầu năm, chế độ ăn uống kém lành mạnh..., nhiều người dễ rơi vào trạng thái căng thẳng với hội chứng “trầm cảm sau kỳ nghỉ”.

Khi dư âm của những ngày nghỉ Tết vẫn còn, chị Nguyễn Hương Nha (27 tuổi, quê Tam Nông, Phú Thọ), hiện đang làm công việc sáng tạo nội dung (Content creator) cho một công ty truyền thông tại Hà Nội trở lại công việc với cảm giác nặng nề và uể oải.

Chị Hương Nha cho biết, chiếc bàn làm việc ngổn ngang giấy tờ, kế hoạch làm việc dày đặc, hòm thư đầy tin nhắn chưa đọc, tất cả như một lời nhắc nhở chị rằng kỳ nghỉ Tết đã chính thức kết thúc.

306913183_1801107603563967_1541726621120948396_n(1).jpg
Ảnh minh hoạ: Hoàng Chiến.

“Sau buổi khai xuân, không khí chung của công ty vẫn hơi trầm lắng. Tôi ngồi trước màn hình máy tính nhưng không tập trung được.

Cảm giác chán nản không chỉ đến từ việc phải viết bài cho các nền tảng mạng xã hội, hay chỉnh sửa nội dung, mà còn bởi tâm trạng hụt hẫng khi phải rời xa những ngày Tết thong dong, những buổi tụ tập gia đình, bè bạn, và cả cảm giác "tự do" ngắn ngủi. Những bữa cơm quây quần nay lại bị thay thế bằng hộp cơm văn phòng ăn vội giữa giờ chạy deadline”, chị Nha chia sẻ.

Cảm giác uể oải cũng là trạng thái của chị Trần Thị Ngọc Anh (28 tuổi, nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội). Chị Ngọc Anh cho biết, nghĩ đến việc phải thức dậy đi làm sau kỳ nghỉ Tết dài là cơ thể lại thấy rã rời, đầu óc nặng trĩu. Đến công ty, chị thường xuyên ngáp ngắn ngáp dài, chỉ muốn được ngủ thêm.

“Mở máy tính làm việc là thấy lịch họp dày đặc, check email thì thấy hộp thư đến đầy ắp, các tin nhắn từ những nhóm chat trong công ty cũng toàn thông báo,… Tôi vẫn cảm thấy đầu óc trống rỗng, không có động lực làm việc, tâm trí cứ lửng lơ trong những ngày nghỉ Tết. Muốn quay lại những ngày ngủ nướng thoải mái, ăn uống thảnh thơi nên cảm giác lười biếng khiến năng suất làm việc của tôi không cao. Mọi thứ trở nên chậm chạp và rệu rã, mệt mỏi…”, chị Ngọc Anh nói.

Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 40% số người trải nghiệm căng thẳng hơn khi bước vào một kỳ nghỉ lễ.

475641909_10233763328520024_6114814282117917954_n.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Nghe có vẻ lạ nhưng những lý do hàng đầu khiến cho chúng ta căng thẳng được kể ra là: Khi nghỉ Tết, chúng ta có quá nhiều thứ phải chuẩn bị dẫn đến thiếu thời gian. Thậm chí có nhiều người thiếu ngủ vì lịch trình lễ Tết bận rộn... làm tăng thêm mức độ căng thẳng sau khi kỳ nghỉ kết thúc.

Điều này không chỉ xảy ra với người lớn mà cũng xảy ra với trẻ em. Chúng thậm chí còn có cảm giác choáng ngợp và quá tải hơn cả người lớn vì không thể thích nghi nhanh với những thay đổi quá đột ngột sau kỳ nghỉ.

Nếu không nhận diện sớm và có cách ứng phó đúng đắn với lo lắng, trầm cảm trong và sau kỳ nghỉ lễ, chúng ta sẽ khó có thể nhập cuộc trở lại với công việc sau kỳ nghỉ lễ một cách lành mạnh và hạnh phúc”, PGS.TS. Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, để giúp bản thân thoát khỏi sự buồn bã, căng thẳng sau kỳ nghỉ Tết, đầu tiên, cần chấp nhận và cho phép mình được thể hiện cảm xúc buồn bã.

Thực tế chúng ta càng cố quên đi những cảm xúc tiêu cực thì sẽ càng nhớ thêm. Điều này là hoàn toàn bình thường và thể hiện bạn là những người giàu cảm xúc.

Nếu cảm thấy căng thẳng sau những ngày nghỉ Tết, việc trò chuyện với bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình cũng có thể rất hữu ích. Hãy thử nhắn tin, gọi điện hoặc trò chuyện video với họ.

“Tham gia tình nguyện hoặc làm điều gì đó để chia sẻ, giúp đỡ người khác sau dịp nghỉ Tết cũng là một cách hiệu quả để nâng cao tinh thần của bạn và giúp làm quen thêm nhiều bạn bè mới.

Sau những ngày lễ Tết, chúng ta càng cần phải chú ý hơn đến những thói quen lành mạnh như vẫn phải duy trì tập thể dục, ngủ đủ giấc, ăn đúng độ và hạn chế đồ uống có cồn...”, chuyên gia khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách nào giảm lo lắng, 'trầm cảm' sau kỳ nghỉ Tết?