Giao thông

Cách nào giảm ùn tắc giao thông cuối năm?

MINH DUY 10/12/2023 08:40

UBND TP Hà Nội vừa báo cáo HĐND thành phố về 5 nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại Thủ đô. Trong đó có lý do ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nghiêm quy định. Làm gì để giảm ùn tắc vẫn là nỗi lo thường trực.

mua-ret-2.jpg
Phương tiện cá nhân tăng 4 - 5% nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chỉ có 0,6%. Ảnh: Quang Vinh.

Vẫn “mạnh ai nấy đi”

Từ trung tuần tháng 12, giao thông ở Hà Nội bắt đầu nóng lên khi tình trạng ùn tắc kéo dài ở nhiều tuyến đường khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Như tuyến đường Tây Sơn - Nguyễn Trãi, hướng từ quận Đống Đa về Hà Đông, đường Khuất Duy Tiến, Láng…

Thậm chí sau 8h30 đường Giải Phóng (đoạn ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt) người tham gia giao thông phải chờ cả chục nhịp đèn mới có thể thoát khỏi dòng người.

Anh Phạm Tuấn Anh (phố Vọng, quận Hai Bà Trưng) cho biết: Tôi làm ở phố Lê Trực, thường thì mất khoảng 15 phút là tới công ty nhưng mấy ngày nay sáng nào cũng phải nhích từng chút ở đường Giải Phóng, sau đó là tới phố Xã Đàn cũng chen chúc không kém, vậy là 45 phút tôi mới có mặt ở công ty.

Cũng theo anh Tuấn, tình trạng tắc đường ngoài nguyên nhân do mưa rét kéo dài người sử dụng ô tô cá nhân tăng, ô tô công nghệ cũng đắt hàng. Bên cạnh đó "điệp khúc" cuối năm đào đường, vỉa hè khiến áp lực giao thông tăng cao.

Nhưng có một nguyên nhân gây ức chế là tình trạng “mạnh ai nấy đi”, không cần hàng lối, cũng không có chuyện nhường nhịn nhau hay đỗ đúng luật. Xe “điền vào chỗ trống” vẫn diễn ra như cơm bữa. Chưa hết, cả vỉa hè cũng là chỗ để người tham gia giao thông đi lên… khiến bức tranh giao thông đang trở nên hỗn loạn. Có thể thấy rằng, những hành vi này khiến lộ trình của tất cả các phương tiện đều chậm lại gây ùn tắc càng nghiêm trọng.

Mới đây, báo cáo HĐND thành phố Hà Nội, UBND thành phố đã nêu ra 5 nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông trên địa bàn gồm: Nguyên nhân thứ nhất gây ùn tắc giao thông là do số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh nhưng hạ tầng giao thông không theo kịp dẫn đến quá tải.

Phương tiện cá nhân tăng 4 - 5% nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông có 0,6%, luôn chới với chạy theo mà không bao giờ đuổi kịp. Cụ thể, số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến tháng 10 là trên 7,8 triệu, trong đó ô tô khoảng 1,1 triệu, mô tô khoảng 6,8 triệu; chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến ùn tắc giao thông là do đầu tư thiếu đồng bộ, các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh, cầu qua sông Hồng còn thiếu...

Thứ ba, nhiều công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Nguyên nhân thứ tư gây ùn tắc giao thông ở các tuyến đường hướng tâm và cầu lớn là do mật độ phương tiện tham gia giao thông vượt thiết kế. Đáng lưu ý, nguyên nhân thứ năm là do ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nghiêm quy định dẫn đến ùn tắc giao thông.

Nguyên nhân gây ùn tắc do ý thức của một bộ phận người dân được cho là đúng. Ông Trương Văn Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: Đường sá dù có hẹp mà mọi người tuân thủ Luật Giao thông thì cũng lưu thông được, dù chậm một chút chứ giờ mà bàn chuyện mở rộng đường ở Hà Nội hay TPHCM là chuyện không dễ.

Giới chuyên gia cũng nhận đinh, tính kỷ luật kém, chấp hành quy định của pháp luật không nghiêm, biểu hiện qua việc vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, đi vào đường cấm...

Tiếp đó là tính chủ quan, “tới đâu hay tới đó”, thiếu tôn trọng và không nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông. Nhận thức kém nên nhiều người không ngại điều khiển phương tiện đi ngược chiều, đi ôtô vào phần đường dành cho xe đạp, xe thô sơ, lạng lách... Còn với câu chuyện đào xới lòng đường, vỉa hè cuối năm thành phố cũng cần tính toán lại thời gian thi công cho hợp lý, tránh cuối năm sửa đường gây ảnh hưởng tới giao thông.

treo-len-via-he-un-tac.jpg
Người tham gia giao thông tràn lên vỉa hè khiến tuyến đường thêm ùn tắc. Ảnh: Quang Vinh.

Từng bước gỡ khó

Nhìn nhận thực trạng trên, giới chuyên gia nhấn mạnh giải quyết vấn đề ùn tắc không thể một sớm một chiều mà chúng ta cần từng bước gỡ khó. Trong đó cần quan tâm tới hình thành văn hóa giao thông và đặt ý thức tham gia giao thông lên hàng đầu. Đây là giải pháp “mềm” nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông.

Như cách nhìn của KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Ông Nghiêm cho rằng, xây dựng văn hóa giao thông là góp phần hạn chế nạn ùn tắc, giảm số vụ tai nạn giao thông, nhất là trong điều kiện hạ tầng giao thông ở nước ta chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

“Mấu chốt dẫn đến tình trạng giao thông “chưa văn hóa” là do hạ tầng giao thông Việt Nam chưa hoàn thiện. Hiện phương tiện giao thông công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt... chưa đạt tới mức cần, nên tình trạng chen lấn, ùn tắc và hành vi, lối ứng xử không văn minh của người tham gia giao thông tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, vai trò và trách nhiệm của các nhà quản lý chưa phát huy được hiệu quả cần thiết nên ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông chưa trở thành nếp”, ông Nghiêm nêu thực tế.

Trong dòng người đông đúc, TS Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam) di chuyển từ nhà ở khu vực đường Quang Trung đến cơ quan ở đường Trần Phú, quận Hà Đông chỉ khoảng 3-4km nhưng mất 45 phút do trời mưa và tắc đường.

“Nhiều người chỉ đổ lỗi cho hạ tầng giao thông không đồng bộ, yếu kém dẫn đến quá tải; lực lượng cảnh sát giao thông quá mỏng nên không thể điều tiết được hết các nút giao thông mà quên đi một điều quan trọng nhất rằng: Tắc đường, bị chôn chân hàng giờ đồng hồ dưới mưa nguyên nhân không phải do trời mưa mà là từ việc thiếu ý thức trong văn hóa giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông. Ai cũng muốn đi trước nên thiếu sự nhường nhịn và phớt lờ sự điều tiết của cảnh sát giao thông.

Đa phần người điều khiển xe máy thường mạnh ai nấy đi, luồn lách, quay đầu chuyển hướng vô tội vạ… miễn sao nhanh hơn người khác. Sự coi thường pháp luật của người tham gia giao thông dường như đã trở thành thói quen cố hữu của người Việt”, TS Minh Huyền cho biết.

Từ đó, TS Minh Huyền đề xuất: Ngành giao thông phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa giao thông, nhằm tạo thói quen cư xử có văn hóa, coi việc tự giác tuân thủ pháp luật để bảo vệ bản thân, những người đi đường bên cạnh và bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức của người tham gia giao thông.

Nhiều người dân có ý thức tốt sẽ tạo được nét văn hóa tham gia giao thông. Tất cả người dân là những người trực tiếp xây dựng, duy trì nề nếp đó. Bao giờ người tham gia giao thông cư xử có văn hóa, khi đó Hà Nội mới hết tắc đường.

Để hình thành văn hóa giao thông, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần đưa nội dung giáo dục, tuyên truyền, phổ biến quy định của luật pháp về giao thông vào chương trình giáo dục chính thức trong trường học phổ thông, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hành văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Tuy nhiên, xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông là một quá trình lâu dài. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tuấn (Học viện Hành chính Quốc gia) nhận định, khi đã xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông, nó sẽ trở thành biện pháp hữu hiệu nhất trong việc đảm bảo trật tự và an toàn giao thông.

“Trật tự và sự an toàn khi tham gia giao thông chỉ có thể có được khi các cá nhân có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông. Văn hóa giao thông luôn tác động một cách trực tiếp đến ý thức của người tham gia giao thông”, ông Tuấn nói.

Bởi vậy, cũng rất cần tìm cách thúc đẩy sự hình thành những nét văn hóa mới, tuyên truyền mạnh mẽ nhằm làm lan tỏa những tấm gương, mô hình tiêu biểu trong việc thực hành văn hóa giao thông. Chỉ khi nào hình thành được văn hóa giao thông chúng ta mới có thể giải quyết tận gốc tình trạng ùn tắc.

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Đặt ý thức tự giác lên hàng đầu
Tính kỷ luật kém đã ăn sâu vào nếp sống của nhiều người nên việc chấp hành quy định của pháp luật không nghiêm chỉnh, biểu hiện qua việc đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, đi vào đường cấm...
Tôi cho rằng, trong các hành vi ứng xử, trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu. Đây không phải là việc dễ, một sớm một chiều làm được ngay, mà cần phải rèn giũa một cách kiên trì. Trước hết phải tuyên truyền để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông để người dân tự giác chấp hành, nâng cao văn hóa nhường nhịn, xếp hàng khi tham gia giao thông.
Mặt khác, việc phân tích và chỉ rõ các nguyên nhân gây ra ùn tắc và tai nạn giao thông ở nhiều tuyến đường nội đô cũng là cách tác động trực tiếp đến người giao thông, để họ tự nâng cao ý thức và chủ động thời gian, lộ trình lưu thông. Bởi chừng nào ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng cấp, cải thiện rõ rệt thì mọi giải pháp ở tầm vĩ mô cũng chỉ là giải pháp “cứng”. Ùn tắc ngay từ ý thức thực sự là điều đáng lo ngại nhất.

Trung tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội): Người dân hãy lưu thông một cách có trật tự
Có nhiều yếu tố dẫn tới ùn tắc. Một trong số đó chính là ý thức của người tham gia giao thông. Hiện tại Phòng CSGT và Công an TP Hà Nội thường xuyên phối hợp với các sở ban ngành, đặc biệt là Sở Giáo dục Hà Nội để tuyên truyền về Luật Giao thông cho đối tượng là học sinh, sinh viên. Việc làm này phần nào giúp người dân nâng cao ý thức về an toàn giao thông. Muốn giao thông thông suốt, không ùn tắc và an toàn thì cần phải đảm bảo một số yếu tố, trong đó cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Hiện tại dân số Hà Nội hơn 9 triệu dân, số lượng phương tiện là gần 8 triệu phương tiện (Phòng CSGT quản lý). Tính trung bình số lượng người và phương tiện trên diện tích giao thông của Việt Nam so với một số quốc gia phát triển khác còn hạn chế. Vấn đề nữa là ý thức của người tham gia giao thông. Cuối cùng là việc liên quan đến chỉ huy, điều hành của lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nếu chúng ta làm tốt được các điểm này thì tôi tin rằng giao thông Hà Nội sẽ cải thiện được rất nhiều.
Về khung giờ cao điểm, gia tăng áp lực giao thông là tình trạng đã được báo trước. Do vậy, thay vì tham gia giao thông vào giờ cao điểm theo kiểu bất chấp quy định thì mỗi người hãy chủ động đi sớm hơn 15-20 phút để tránh rơi vào cảnh ùn tắc. Và thay vì những hành vi khiến giao thông trở nên hỗn loạn thì mỗi chúng ta hãy lưu thông một cách có trật tự để cùng nhau thoát qua điểm nút giao thông một cách an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách nào giảm ùn tắc giao thông cuối năm?