Xã hội

Cách nào phát hiện sớm trẻ bị bạo lực tinh thần?

HẢI YẾN 27/10/2024 08:47

Theo chuyên gia tâm lý, bạo lực tinh thần nguy hiểm không kém bạo lực thân thể, thậm chí có thể nguy hiểm hơn bởi vì nó khó phát hiện và mức độ tổn thương dai dẳng, để lại những chấn thương khó lành.

12a.jpg
Người lớn có thể nhận ra những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực tinh thần ở biểu hiện phổ biến trong sự bất ổn về mặt hành vi.

Nhận diện trẻ bị bạo lực tinh thần

Thời gian gần đây, những vụ tự tử hay tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các vụ việc ấy có lí do khác nhau, nhưng không loại trừ việc các em đã chịu những tổn thương vô hình.

Trong tháng 10/2024, trên địa bàn huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) xảy ra sự việc 2 nữ sinh bị đuối nước dưới sông Bôi, nghi nhảy cầu tự tử. Trước đó, hồi tháng 5, một sinh sinh viên năm nhất, khoa tiếng Trung của trường đại học trên địa bàn Hà Nội rơi từ tầng cao tử vong cũng gây rúng động. Các nạn nhân đều để lại thư tuyệt mệnh nói nguyên nhân do áp lực học hành, cuộc sống...

Chia sẻ trong buổi trò chuyện “Phát hiện sớm trẻ bị bạo lực tinh thần”, chuyên gia tâm lý, TS Trần Thu Hương cho biết: Từ khóa “bạo lực tinh thần” khá quen với các phụ huynh. Có nghĩa là trong xã hội hiện đại người ta đã thật sự quan tâm đến những vấn đề về tinh thần. Thế nhưng để hiểu rõ như thế nào là bạo lực tinh thần thì không phải ai cũng có khái niệm rõ ràng.

Bạo lực tinh thần cực kỳ tinh vi bởi nó được thể hiện ở dưới dạng bạo lực tâm lý. Nó là một sự hành hạ về tinh thần, chủ yếu thông qua lời nói. Người ta dùng lời nói để hạ thấp nhân phẩm, danh dự hoặc là tạo sức ép về mặt tinh thần buộc nạn nhân phải chịu đựng, làm theo, tuân thủ. Đặc trưng của bạo lực tinh thần là tấn công và làm tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần, cảm xúc hay những cảm nhận về giá trị bản thân. Trong tương tác ở gia đình, nhiều khi chính cha mẹ tạo ra bạo lực tinh thần đối với các con. Đầu tiên có thể bắt nguồn từ kỳ vọng của cha mẹ áp đặt lên con cái, có những sự so sánh “con nhà người ta như thế này, con nhà người ta thì như thế kia”...

Bạo lực tinh thần diễn ra một cách hết sức tinh vi. Đến một mức độ nào đó, đối tượng bị bạo hành tinh thần có thể chấp nhận nó. Đứa trẻ gần như nhận thấy rằng bố mẹ nói điều đó về mình cũng đúng, chỉ hơi nặng lời thôi. Đứa trẻ nuốt nước mắt vào trong. Nhưng tổn thương cứ dày lên, ít có sự chia sẻ ngược lại.

Một hình thức kinh khủng hơn bạo lực tinh thần bằng lời nói được chuyên gia nhắc tới, đó là “chiến tranh lạnh”. Đôi khi không nói gì có thể gây ra những sự đau khổ, tổn thương, ẩn ức ở nạn nhân nhiều hơn. Nghĩa là, bạo lực tinh thần còn được thể hiện bằng hình thức nữa là “tôi từ chối”. Đối tượng gây ra bạo lực từ chối giao tiếp với nạn nhân, coi như nạn nhân không tồn tại. Nó tạo ra một bầu “không khí chết” trong tương tác. Gần như nạn nhân bị đẩy ra bên ngoài các mối quan hệ xã hội. Họ cảm thấy mình thực sự vô dụng, là cái gai ở trong mắt mọi người. Và họ thu mình lại. Đôi khi bố mẹ cũng dùng điều đấy để trừng phạt con cái.

Những giải pháp ngăn ngừa và bảo vệ trẻ

Theo các chuyên gia, có nhiều cách để giúp con trưởng thành, không phải là khiến con cô lập, hay chì chiết. Trẻ nhỏ ở hai môi trường quan trọng, là gia đình và lớp học. Một đứa trẻ phải trải qua sự cô lập hay tẩy chay từ ngay bên trong gia đình rồi lại bị cô lập và tẩy chay trong trường học thì hậu quả về tinh thần là khôn lường.

Cô giáo Trần Thị Hồng Quyên (Trường Tiểu học Yên Sở, Hà Nội) cho hay: Sự phối hợp giữa giáo viên, phụ huynh trong giáo dục trẻ, quan tâm, nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường ở trẻ là rất quan trọng. Các phụ huynh đừng để mặc con, hay giao phó hết cho thầy cô. Phụ huynh muốn con ngoan, con tốt, con tiến bộ thì phải có sự phối hợp hài hòa với thầy cô, nhà trường. Kịp thời cùng cô giáo phát hiện ra những mặt yếu kém, những biểu hiện tâm lý khác thường để cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ, phối hợp đưa con tiến bộ. Những trường hợp đặc biệt năm nào các thầy cô cũng gặp, nhưng có sự phối hợp chặt chẽ thì sau đó các con đều thay đổi tích cực.

TS Trần Thu Hương thông tin thêm: Người lớn có thể nhận ra những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực tinh thần ở biểu hiện phổ biến trong sự bất ổn về mặt hành vi. Các bạn này thường rất tự ti, nhút nhát và hay e ngại tương tác, giao tiếp. Nó sẽ thể hiện ở sự kém linh hoạt hoặc những sắc thái cảm xúc trầm buồn, sự tự ti về bản thân mình. Ví dụ con cái bị tấn công tinh thần bởi bố mẹ, thường sẽ lảng tránh sự tương tác và giao tiếp với cả bố mẹ. Trong trường học cũng vậy. Có những đứa trẻ sẽ là nạn nhân của các bạn khác. Một trong số đó là sự dè bỉu, chê bai, hoặc cô lập.

Các chuyên gia khẳng định rằng, nơi nào cần bình yên nhất, đó chính là gia đình. Nơi nào là nơi những giá trị nhân văn tốt đẹp được thực hiện một cách triệt để, đó phải là gia đình. Người lớn cần phải sẵn sàng ở bên các em, lắng nghe, thấu cảm thật sự với các em mà không phán xét. Trong một số trường hợp, có thể khi đứa trẻ tin cậy, chia sẻ với người lớn những khó khăn nó đang phải trải qua... người lớn phải cực kỳ khách quan. Điều quan trọng là khẳng định với đứa trẻ, cảm nhận của nó là đúng. Thứ hai, phải đồng cảm với nỗi đau mà các em đang đối diện. Thứ ba, phải tiếp thêm cho các con nghị lực và sự dũng cảm để có khả năng đương đầu và vượt qua tổn thương.

Chúng ta cũng cần dũng cảm để có thể đứng bên cạnh các con, lên tiếng với các đối tượng đang gây ra bạo lực. Đôi khi người gây ra bạo lực, đặc biệt là bạo lực tinh thần, họ rất ngoan cố, không thừa nhận rằng đấy là hành vi bạo lực. Đôi khi họ cho rằng mình có quyền làm như vậy.

Câu chuyện thường xuyên quan sát, nhắc nhở các con khi các con có hành vi không có lợi cần mang tính thiện chí. Ngay cả khi các con có khuyết điểm, sự chia sẻ của người lớn phải khiến các con xúc động, không cố tình khoét vào nỗi đau, chì chiết vào khuyết điểm. Như vậy, có thể làm thui chột ý chí phấn đấu, sửa sai của con. Cha mẹ khi đưa ra yêu cầu cần phù hợp với khả năng, năng lực của con. Nếu muốn đẩy yêu cầu lên thì phải gia tăng mức độ đáp ứng của các con. Cùng một sự việc xảy ra có rất nhiều cách đặt vấn đề. Cách đặt vấn đề tốt nhất, hiệu quả nhất là đặt vấn đề để các em thấy trong đó có động lực, có sự cam kết đồng hành, có sự nâng đỡ, có sự du di...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách nào phát hiện sớm trẻ bị bạo lực tinh thần?