Xã hội

Cách nào xử lý triệt để xe tự chế?

Hoàng An 15/08/2024 08:42

Các loại xe ba bánh, bốn bánh tự chế, chở hàng cồng kềnh từ lâu đã là nỗi ám ảnh của người dân các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

cover.jpeg
Các loại xe tự chế vẫn xuất hiện nhiều trên các tuyến đường giao thông. Ảnh: Lê Khánh.

Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm dẹp bỏ loại xe này, thế nhưng, vẫn chưa thể xử lý triệt để. Những chiếc xe tự chế, thồ hàng cồng kềnh vẫn xuất hiện nhan nhản trên các đường phố cản trở giao thông, gây nguy hiểm khiến người dân bức xúc.

Những chiếc xe tự chế không những chở nhiều loại hàng hóa cồng kềnh, vật liệu xây dựng nguy hiểm… mà còn không có các vật dụng che chắn an toàn cần thiết. Không ít những vụ tai nạn, va chạm giao thông đã xảy ra do những loại xe này gây nên.

Nỗi ám ảnh

Bên cạnh đó, do được “độ”, lại khá nhỏ gọn nên những chiếc xe tự chế dễ dàng len lỏi, ngang nhiên di chuyển trên khắp các con đường trong thành phố. Điều này không chỉ khiến người tham gia giao thông khiếp sợ mà còn khiến lực lượng chức năng rất vất vả trong quá trình kiểm tra, xử lý.

Đã từng va chạm giao thông với với loại xe này, đối với chị Đinh Quỳnh Anh (27 tuổi, Dịch Vọng Hậu, Hà Nội) mỗi khi ra đường, chỉ cần nhìn thấy các loại xe tự chế chở hàng cồng kềnh là chị tự động tránh xa. “Ra đường cứ nhìn thấy xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh, nhất là chở vật liệu xây dựng là tôi sợ, phải di chuyển chậm lại hoặc né gấp. Lần trước cũng vì đi sau một chiếc xe tự chế chở sắt thép không xi nhan mà suýt nữa thì tôi bị tai nạn. Cũng may, thanh sắt chỉ đâm vào xe chứ không đâm vào người” - chị Quỳnh Anh kể lại.

anhnho.jpg
Một chiếc xe tự chế không biển số. Ảnh: Hoàng Chiến.

Cũng ám ảnh về những chiếc xe tự chế chở hàng cồng kềnh di chuyển trên đường, chị Trần Thị Ngọc Linh (26 tuổi, Mỹ Đình 2, Hà Nội) cho biết: “Hàng ngày đi làm qua đoạn đường Đê La Thành (Cầu Giấy, Hà Nội), tôi đều phải hết sức chú ý với những chiếc xe tự chế chở vật liệu xây dựng. Lần nào đi qua đây cũng thấy có xe tự chế chở sắt thép, tủ gỗ, đồ đạc… cồng kềnh chạy qua. Những chiếc xe này còn không có xi nhan, đèn cảnh báo nên rất dễ gây tai nạn. Nhiều người còn chạy ẩu, lạng lách, vi phạm luật giao thông”.

Trên thực tế, cơ quan chức năng đã có nhiều đợt ra quân xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Xử lý các loại xe tự chế, xe giả danh thương binh để vận tải hàng hóa... Tuy nhiên, sau mỗi đợt ra quân quyết liệt, tình trạng này vẫn tái diễn gây nên nhiều bức xúc đối với người tham gia giao thông.

Liên quan đến việc xử lý tình trạng này, tại Hà Nội, sau 3 tháng triển khai Kế hoạch số 51 của Công an thành phố (từ ngày 15/3 đến 14/6/2024), lực lượng chức năng đã xử lý 5.635 trường hợp (gồm: 2.012 trường hợp xe ba, bốn bánh tự sản xuất lắp ráp; 3.623 trường hợp xe mô tô vi phạm chở hàng cồng kềnh, kéo theo xe khác, vật khác), tạm giữ 2.150 phương tiện.

Để chấm dứt tình trạng xe ba bánh tự chế, tự lắp ráp chở hàng cồng kềnh, vi phạm luật giao thông trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng, làm tốt công tác chức tuyên truyền, vận động, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Còn tại TPHCM, theo số liệu từ Công an Thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử phạt hơn 8.500 trường hợp xe ba, bốn bánh, xe tự chế vi phạm an toàn giao thông. Trong đó, đã xảy ra 9 vụ tai nạn làm 2 người chết và 6 người bị thương liên quan đến các loại xe thô sơ này.

Mới đây, sau 15 ngày đầu triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, xe tự chế, xe ba, bốn bánh trên địa bàn (từ ngày 15/7 - 1/8/2024), lực lượng CSGT toàn thành phố đã kiểm soát 3.631 xe mô tô, xe tự chế, xe ba, bốn bánh… Qua đó, phát hiện, xử lý 1.866 trường hợp vi phạm, gồm: 1.650 xe mô tô; 195 xe ba, bốn bánh; 4 xe thí điểm; 17 trường hợp khác; tạm giữ 767 xe mô tô, 140 xe ba, bốn bánh.

Tình trạng xe chở hàng hóa cồng kềnh, không đảm bảo an toàn không chỉ diễn ra tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM mà còn phổ biến trên khắp các địa phương cả nước.

anhto.jpeg
Xe tự chế chở hàng cồng kềnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Lê Khánh.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Đáng nói, chỉ cần gõ từ khoá “báo giá xe tự chế” trên thanh công cụ tìm kiếm Google, hàng loạt các website hiện ra quảng cáo về rất nhiều loại xe với thông số kỹ thuật và mức giá khác nhau. Thậm chí, có nơi còn sẵn sàng tự chế xe theo mọi yêu cầu của khách hàng.

Ghi nhận trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh của những chiếc xe tự chế 3 bánh, 4 bánh, xe điện ba gác… chở hàng cồng kềnh đang lưu thông trên đường. Đặc biệt, tại những tuyến phố chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, các khu chợ đầu mối… các loại xe tự chế này lại càng hoạt động tấp nập.

Về vấn đề xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chở hàng cồng kềnh của xe cơ giới ba bánh, xe tự chế và các phương tiện giao thông khác khi tham gia giao thông, luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về chế tài xử phạt nhưng rất nhiều người điều khiển các phương tiện loại này lại chưa có ý thức tuân thủ, nhiều người thiếu hiểu biết pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông.

“Tuy nhiên chế tài xử phạt tiền đối với những hành vi vi phạm này hiện nay còn khá nhẹ, chưa tương xứng với thiệt hại thực tế mà những hành vi vi phạm này có thể gây ra. Chính vì vậy, vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân cố tình vi phạm luật, chấp nhận bị cơ quan chức năng xử phạt để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển đồ” - luật sư Trần Xuân Tiền nói.

Do đó, theo luật sư Trần Xuân Tiền, để hạn chế, giảm thiểu tình trạng này, bên cạnh việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, thì cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định. Từ đó có biện pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với các trường hợp xe tự chế.

Ông Trần Xuân Tiền cũng nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng này một cách hiệu quả, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật đối với hành vi chở hàng hóa cồng kềnh là vi phạm cũng như hậu quả mà hành vi có thể gây ra cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Đồng thời, đẩy mạnh vận động người dân sử dụng các phương tiện vận tải khác trong vận chuyển hàng hóa để đảm bảo an toàn và phù hợp với quy định của pháp luật thay cho các loại xe ba gác, xe tự chế.

Theo quy định hiện hành, khi tham gia giao thông, xe mô tô, gắn máy và xe thô sơ phải đảm bảo quy định về chiều rộng, chiều dài và chiều cao xếp hàng hóa quy định tại Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT. Do đó, theo quy định tại điểm k Khoản 3 Điều 6 và điểm c Khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi chở hàng cồng kềnh vượt quá quy định cho phép là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ và người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, hành vi tự chế, thay đổi kết cấu xe, trang trí thêm nhiều bộ phận, linh kiện sai khác so với thiết kế ban đầu cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, người có hành vi tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân và gấp đôi đối với tổ chức là chủ phương tiện căn cứ tại điểm c Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Đối với hành vi điều khiển xe tự chế, lắp ráp trái quy định, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng và còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng, theo quy định tại điểm b Khoản 3, điểm d Khoản 4 Điều 17 Nghị định này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách nào xử lý triệt để xe tự chế?