Ấm siêu tốc sau một thời gian dài sử dụng có thể đóng cặn bẩn, nếu không vệ sinh kịp thời sẽ giảm hiệu quả sử dụng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Chẳng cần bỏ quá nhiều thời gian hay công sức, với những nguyên liệu có trong nhà, bạn có thể áp dụng các mẹo vệ sinh ấm siêu tốc, giúp nó sạch như mới ngay lập tức.
Giấm hoặc chanh
Bạn dùng giấm hoặc thái ngang quả chanh ra làm 5 - 6 lát. Cho những lát chanh đã thái hoặc giấm vào trong ấm rồi đổ nước lọc vào, bật ấm và đun nước. Để nước sôi một lúc rồi đổ toàn bộ chanh hoặc giấm ra ngoài. Cuối cùng, bạn tráng lại ấm bằng nước là được.
Baking soda
Bỏ một thìa nhỏ baking soda vào, đun sôi lên vài phút là cặn có thể được loại bỏ. Bạn cũng có thể đổ baking soda 1%, thêm 500ml bia hoặc nước, lau nhẹ đáy ấm là sạch. Chỉ cần như vậy là bạn đã có một ấm siêu tốc sạch cặn rồi.
Vỏ trứng
Đập vụn vỏ trứng, đặt vào trong ấm đun nước, đổ nước lọc vào khoảng nửa ấm, dùng đũa quấy đều, sau đó luộc chín tầm nửa tiếng. Đổ vỏ trứng ra, làm sạch với nước như thông thường.
Nước coca
Đổ 1 lon coca vào ấm siêu tốc và ngâm khoảng 1 giờ. Đổ nước ra và lấy khăn lau nhẹ, mọi cặn bã đọng lại trên ấm đều được loại bỏ sạch sẽ. Nếu muốn nhanh hơn, bạn có thể đun sôi coca rồi dùng thìa gỗ khuấy đáy ấm trong vòng vài phút, sau đó rửa lại bằng nước là được.
Vỏ khoai tây
Gọt vỏ khoai tây cho vào ấm siêu tốc, đổ nước lọc vào ấm, sau đó đun sôi trong 10 phút rồi rửa sạch lại với nước, những vết cặn sẽ được loại bỏ.
Khẩu trang than hoạt tính
Ấm siêu tốc không sử dụng lâu ngày dễ bị bám bụi và khó tẩy rửa. Cách nhanh nhất để làm sạch bụi trong ấm siêu tốc chính là sử dụng than hoạt tính. Dùng một chiếc khẩu trang than hoạt tính (mua ở tiệm thuốc tây) bỏ vào trong ấm siêu tốc, đổ nước vào và đun sôi. Than hoạt tính trong khẩu trang có công dụng hút sạch bụi bẩn bên trong ấm.
Một số lưu ý khi dùng ấm đun siêu tốc
Một số thói quen sai khi dùng ấm đun siêu tốc sẽ khiến thiết bị giảm tuổi thọ nghiêm trọng:
Ấm đun siêu tốc trở thành chiếc nồi đa năng:
Vì ấm siêu tốc có khả năng đun nước, nên những món ăn liên quan đến nước sôi như luộc trứng, nấu canh… thường được nhiều người sử dụng trực tiếp trên thiết bị, đặc biệt là các bạn sinh viên. Tuy thời gian nấu nướng sẽ tiết kiệm nhưng thói quen này cũng gây nhiều tác hại to lớn cho chính người dùng.
Dùng ấm đun siêu tốc nấu ăn sẽ khiến cặn đóng vào thành ấm và làm nó nhanh chóng bị hỏng; thậm chí có thể gây tình trạng chập điện, nguy hiểm đến tính mạng con người. Do đó, bạn cần tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không được phép nấu ăn trên ấm siêu tốc và chùi rửa cặn cẩn thận nếu đã lỡ nấu trước đây.
Rót nước ra bình ngay khi vừa sôi:
Công tắc của ấm siêu tốc sẽ tự động ngắt khi nước được đun sôi đến 100 độ C, nhưng vì mâm nhiệt vẫn còn tỏa nhiệt nên nước vẫn tiếp tục sôi. Vì thế, việc đổ nước vào bình ngay lập tức có thể khiến mâm nhiệt bị cháy và hư hỏng. Tốt nhất, bạn nên để lại khoảng 15 ml khi rót nước vào phích, chờ mâm nhiệt nguội hẳn mới làm cạn nước trong ấm.
Nấu nước liên tục:
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của gia đình, nhiều người vẫn hay có thói quen nấu nước liên tục và nghĩ rằng điều này sẽ giúp họ tiết kiệm điện khi ấm vẫn còn đang nóng sẵn. Thế nhưng, đây là suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Vì việc nấu nước liên tục sẽ khiến mâm nhiệt của ấm trở nên nóng hơn bình thường, đồng thời nguồn điện quá tải còn gây ra chập điện, cháy ấm. Nếu bắt buộc phải đun số lượng lớn nước để dùng, bạn nên để ấm nguội trong thời gian khoảng 30 phút giữa các lần đun. Mâm nhiệt bên dưới ấm nguội bớt sẽ tiết kiệm được nhiên liệu đáng kể và gia tăng tuổi thọ thiết bị.
Đổ nước quá ít hoặc nhiều hơn quy định
Đối với mỗi ấm siêu tốc, các nhà sản xuất đều quy định mức tối đa (Max) và mức tối thiểu (Min) để người dùng có thể dễ dàng xác định lượng nước. Nếu bạn đổ nước trên mức Max, nước khi sôi sẽ dễ trào ra ngoài gây chập điện; và ngược lại, dưới Min thì lượng nước không đủ, ấm siêu tốc nhà bạn sẽ sễ bị nóng và nhanh hỏng. Việc đổ lượng nước theo quy định của nhà sản xuất không có gì khó khăn nên bạn hãy tuân theo để ngăn chặn mọi nguy cơ gây hỏng ấm siêu tốc nhé!
Không đậy kín nắm ấm khi hoạt động
Nước sẽ đun lâu hơn cũng như tiêu tốn nhiều điện năng nếu nắp ấm không được đậy kín. Khi đó, điện không được tự ngắt khi nước sôi sẽ khiến nước trào ra ngoài, gây ra nguy cơ cháy hỏng ấm rất cao. Chính vì thế, bạn nên kiểm tra và đậy nắm kín hoàn toàn trước khi cắm điện sử dụng.
Để dư nước trong ấm và đáy ấm đóng cặn
Khi để nước dư lại trong ấm khá lâu, cặn sẽ đóng dưới đáy, làm giảm khả năng trao đổi nhiệt và thời gian nước sôi lâu hơn. Cặn bẩn bám dày khiến rơle đo nhiệt nhanh hỏng, gây ra hiện tượng nước chưa sôi thì ấm đun đã tự ngắt. Cách khắc phục tốt nhất là bạn hãy vệ sinh đáy ấm thường xuyên, tẩy các vết bẩn bám lâu ngày và không để nước quá lâu lại trong ấm.