Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ: Người hưởng ứng, người chần chừ

Quốc Thanh 27/02/2023 09:50

4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp độ D trên địa bàn TP Hà Nội thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, phần lớn các hộ dân vui vẻ, đồng thuận. Trong khi đó, một số hộ có mặt bằng kinh doanh hoặc cho thuê là tiếc nuối, không muốn chuyển đi để cải tạo, xây dựng lại.

Ngày 23/2, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội, căn cứ các chỉ tiêu trong Chương trình phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021 - 2030 để xác định mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025: Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố 29,5 m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31m2/người và khu vực nông thôn đạt 28 m2/người.

Kế hoạch nêu rõ, triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).

Qua tìm hiểu, các tòa chung cư này được xây dựng từ trước năm 1994, chủ yếu ở các quận nội thành và có chung đặc điểm cao từ 2-6 tầng, kết cấu tường gạch chịu lực, bê tông lắp ghép hoặc khung bê tông cốt thép chịu lực. Do được đưa vào sử dụng vài chục năm, nên nhiều chung cư cũ đã xuống cấp, thậm chí có chung cư được xếp vào loại nguy hiểm.

Hiện, tại một số dãy nhà xuống cấp trầm trọng, cư dân đã chuyển đi chỗ khác. Những khu nhà này được dựng hàng rào tôn bên ngoài, có dán thông báo, cảnh báo nguy hiểm. Thế nhưng, vẫn còn nhiều hộ dân trong khu chung cư cũ đang chờ quyết định của chính quyền, đặc biệt là các hộ tầng 1.

Dưới đây là ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online tại các khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn TP Hà Nội:

Tại đơn nguyên III nhà C8 Tập thể Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Ba Đình); cư dân đã chuyển đi hết, được dựng hàng rào và gắn cảnh báo nhà chung cư nguy hiểm.
Chị Loan (47 tuổi), sống tại tầng 5 Đơn nguyên I Nhà C8 Giảng Võ cho biết, gia đình chị và các hộ dân cùng tầng vui vẻ đồng ý di dời, nhưng cũng đang băn khoăn, lo ngại con cái sẽ phải đi học xa nếu chuyển chỗ ở. Cũng theo chị, ở đây một số hộ ở tầng 1 đang kinh doanh tốt nên tiếc, không muốn chuyển đi.
Nhà G6A Thành Công đã xuống cấp trầm trọng do các hộ dân cơi nới bất chấp, nhiều hộ cơi nới ra gần 3m, trông cực kỳ nguy hiểm.
UBND phường Thành Công đã ra thông báo cho cư dân tháo dỡ các phần cơi nới thế nhưng nhiều hộ vẫn không chấp hành.
Tường xuống cấp nghiêm trọng, vữa bong từng mảng.
Ghi nhận tại nhà A, khu tập thể Ngọc Khánh. Dãy nhà đã được dựng hàng rào có cảnh báo nguy hiểm; còn vài hộ kinh doanh tại tầng 1.
Cầu thang nứt toác, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Cơ sở vật chất không đảm bảo.
Tại nhà B khu tập thể Ngọc Khánh, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Quán hàng tầng 1 kinh doanh sôi động.
Bác Thống (79 tuổi, cựu công nhân Công ty xây dựng nhà ở Hà Nội) sống ở tầng 3 nhà B khu tập thể Ngọc Khánh từ năm 1984. Căn hộ 43,7m2 là nơi sinh sống của 3 hộ với 9 khẩu. Bác mong các cấp chính quyền sớm giải quyết để chuyển đi chỗ ở mới an toàn hơn, rộng rãi hơn.
Cũng như bác Thống, cô Mỹ (68 tuổi), cô Ngọc (59 tuổi) ở khu D2, D3 khu tập thể Ngọc Khánh đã sống gần 30 năm tại đây cũng vui vẻ, mong muốn chuyển đi, vì sự xuống cấp của nơi đây, đặc biệt là hệ thống thoát nước, mưa xuống cống tràn, tràn từ nhà vệ sinh ngược vào trong. “Ở đây chỉ những người có mặt bằng kinh doanh buôn bán ở tầng 1 phía trước mới không muốn chuyển đi thôi”. cô Mỹ chia sẻ.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ: Người hưởng ứng, người chần chừ