Mặt trận

Cải thiện đời sống tinh thần cho người lao động

Tuệ Phương 03/04/2024 08:17

Bên cạnh việc cải thiện thu nhập cho công nhân lao động trong những năm qua, việc nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa cho công nhân lao động được xác định là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cấp Công đoàn.

duoi.jpg
Chị Hà Thị Liên - công nhân lao động tại Công ty TNHH Canon Việt Nam dành thời gian cho con sau một ngày làm việc vất vả. Ảnh: Hoài Luân.

Thực tế cho thấy, phần lớn công nhân lao động vẫn đang vật lộn với nỗi lo kinh tế. Đơn cử như vợ chồng chị Hà Thị Liên (quê ở Tuyên Quang). Hai vợ chồng lên Hà Nội làm công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã hơn 10 năm. Dù đã có thời gian lao động khá lâu nhưng mức lương hiện tại của chị chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chị Liên cho biết, chị đi làm hành chính nên không tăng ca nhiều. Bình thường mỗi tháng với mức lương 6 triệu đồng, nếu tằn tiện chi tiêu thì cũng đủ nhưng mỗi khi con ốm, phải nghỉ làm thì lương còn thấp hơn. Do đó, ngoài thời gian làm việc ở công ty, thi thoảng chị cũng chỉ vào điện thoại hoặc xem ti vi để giải trí.

Là hàng xóm cùng chung khu trọ với chị Liên, anh Nguyễn Thành Luân (quê ở Phú Thọ), công nhân Công ty TNHH ToTo Việt Nam cũng có chung một trăn trở đó là mức lương hiện tại đã thấp lại không được tăng ca để có thêm thu nhập. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền vẫn còn nặng trĩu nên việc hưởng thụ văn hóa, giao lưu văn nghệ chưa dám nghĩ đến. “Tôi mong Công ty thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để người lao động được giao lưu, học hỏi, kết bạn với nhau. Để sau mỗi giờ làm việc mệt mỏi anh chị em công nhân có thể tham gia những phong trào như chơi đá bóng, ca hát... vừa để rèn luyện sức khỏe cũng như vừa kết bạn” - anh Luân nói.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thông tin, toàn thành phố có 10 khu công nghiệp thì đến 9 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy là 95%. Khoảng 166 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại đây nhưng điểm sinh hoạt văn hóa dành cho công nhân còn rất ít ỏi, chỉ có 7 điểm. Dù vậy, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, các điểm sinh hoạt văn hóa nằm trong khu công nghiệp này đều được duy trì, là địa chỉ quen thuộc để nhiều lao động tìm đến, giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc. Do vậy, phần đông công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ tại các khu dân cư để sinh sống với diện tích chật hẹp, các công trình phúc lợi công cộng như nhà văn hóa, khu thể thao, vui chơi giải trí, trường học cho con em công nhân hầu như chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu.

Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần càng trở nên cần thiết. Để góp phần chăm lo đời sống cho anh em lao động, tính đến cuối năm 2023, Liên đoàn Lao động Hà Nội đã triển khai 61 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các công ty trên toàn thành phố. Ông Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, đây là mô hình Liên đoàn Lao động thành phố tập trung đầu tư trên cơ sở hợp tác của chủ doanh nghiệp. Tại đây, tùy theo diện tích, có thể bố trí tủ sách hay vị trí đặt bàn bóng bàn, cờ vua, cờ tướng hay đơn giản là những chiếc ghế nghỉ để người lao động chợp mắt mỗi khi mệt mỏi. Có công ty còn trang bị thêm hệ thống ti vi, loa, amply để tổ chức Công đoàn dễ dàng phát bản tin, người lao động hát karaoke, tổ chức sinh nhật...

Việc chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động theo cách này sẽ giúp họ thêm gắn bó với doanh nghiệp, tái tạo sức lao động, tăng cường khả năng sáng tạo, góp sức cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải thiện đời sống tinh thần cho người lao động