Cảm hóa học trò bằng khuyên nhủ hay đòn roi?

Nguyễn Hoài 20/10/2021 08:00

Dư luận đang xôn xao về clip học trò cãi tay đôi với thầy giáo khi học trực tuyến. Đáng bàn đây không phải trường hợp cá biệt. Thời gian qua đã có rất nhiều clip phản ánh học trò vô lễ với giáo viên trong giờ học song tình trạng này vẫn tái diễn.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều người đặt câu hỏi kỷ luật tích cực thay vì dùng đòn roi liệu có làm cho học sinh vào nền nếp?

Thầy cô bất lực?

Mới đây, một clip ghi lại cảnh nam sinh cầm thuốc lá trong lớp rồi nói chuyện hỗn láo với giáo viên gây bức xúc trên mạng xã hội. Theo nội dung của clip, khi bị thầy giáo nhắc nhở chuyện hút thuốc trong giờ học, nam sinh này đã không xin lỗi hay thanh minh với giáo viên, mà ngược lại còn đáp trả với lời lẽ không phù hợp: “Em hút lúc nào? Em hút ở ngoài chứ em hút trong mồm thầy à...”.

Phát ngôn thiếu văn hóa của nam sinh khiến nhiều người bức xúc. Đoạn clip này ngay sau đó thu hút không ít ý kiến trái chiều. Dạy học trực tuyến đang tạo ra áp lực không nhỏ đối với giáo viên, câu chuyện kỷ luật học sinh càng trở nên nhạy cảm hơn. Cách đây khoảng 1 tháng, trong clip ghi lại buổi học trực tuyến, một nam sinh viên liên tục văng tục với giảng viên khi bị hỏi bài. Lớp học này được xác định là của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic.

Sau khi nhà trường vào cuộc, nam sinh và gia đình đã liên hệ trực tiếp để xin lỗi giảng viên. Về phía giảng viên, thầy hiểu rằng các bạn trẻ có những phút bốc đồng, phạm phải sai lầm. Thầy cũng tha thứ cho hành động của sinh viên và đón nhận sinh viên này quay trở lại lớp học.

Không phải thầy cô nào khi đối mặt với học sinh vi phạm lỗi cũng giữ được bình tĩnh giống như giảng viên ở trên. Bất lực trước những hành động vô lễ của học trò, đã có nhiều giáo viên không kiểm soát được cảm xúc, dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực. Dư luận đã từng xôn xao với những vụ việc phạt học sinh thời gian qua như: Bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, cho học sinh tự tát nhau đến mức nhập viện, phạt học sinh quỳ gối… Đây là những hình phạt gây sốc trong ngành giáo dục.

Ảnh chụp màn hình clip ghi lại việc sinh viên văng tục trong lớp học trực tuyến.

Xử phạt trên tinh thần tôn trọng học sinh

Thời gian qua, kỷ luật tích cực được các chuyên gia nhắc tới nhiều. Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông cũng quy định rõ, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.

Trong số học trò của cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) có không ít học sinh đặc biệt. Nhiều năm đứng trên bục giảng, cô Hạnh chia sẻ, phương pháp cảm hóa học sinh của cô là không mắng mỏ các em trước lớp mà luôn tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh gia đình, lắng nghe suy nghĩ của học sinh… để tìm giải pháp tháo gỡ.

Cô Hạnh cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, khi cả xã hội đang thực hiện các quyền trẻ em thì cách kỷ luật truyền thống bằng đòn roi như trước đây không còn phù hợp. Thay vào đó, giáo dục bằng tình yêu thương sẽ đánh thức những điều tốt đẹp trong mỗi học trò. Giáo viên cần kỷ luật học trò bằng sự nghiêm khắc của người cha và trái tim yêu thương của người mẹ. Mục đích là làm cho học trò thay đổi theo chiều hướng tích cực và trao cơ hội cho học trò sửa sai.

Ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) nêu quan điểm, trong giáo dục học sinh vi phạm lỗi cần áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc áp dụng hình thức kỷ luật là cần thiết và song hành với các biện pháp giáo dục khác như: Nhắc nhở riêng, phạt làm vệ sinh trong trường, viết bản kiểm điểm hoặc chép phạt, phối hợp với gia đình và cơ quan chức năng giáo dục học sinh…

Theo ông Tuấn Anh, việc phủ nhận hoàn toàn kỷ luật hay xử phạt học sinh là tước bỏ bớt các giải pháp giáo dục. Mặt khác nếu lạm dụng kỷ luật hay xử phạt học sinh thì lại phản giáo dục. Thế nên, việc kỷ luật hay xử phạt học sinh đều phải trên tinh thần tôn trọng học sinh và hướng tới mục tiêu giáo dục. Trong thực tế, giáo viên sử dụng biện pháp giáo dục nào là cả một nghệ thuật.

Bàn về phương pháp xử lý học sinh vi phạm lỗi, NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nêu ví dụ từ việc cảm hóa các học sinh đặc biệt của Trường Đinh Tiên Hoàng.

Ở ngôi trường này, ông Lâm xây dựng và rèn phẩm chất và năng lực học sinh theo 5 “tự” là: Sống tự chủ, tự lập, tự tin, tự trọng và tự chịu trách nhiệm. Ông Lâm cho rằng, kỷ luật là 1 phương pháp không thể thiếu trong nhà trường nhưng không có nghĩa là trừng phạt học sinh. Luật pháp cũng đã có những quy định về quyền trẻ em, người vị thành niên.

“Cho đến nay, tất cả những kỷ luật thời xưa như dùng roi vọt đã không còn phù hợp. Trong xã hội hiện đại, việc giáo dục học sinh phải làm sao để các em tự nhận ra sai lầm, tự thay đổi, tự chịu trách nhiệm trước hành vi của mình là thành công nhất của giáo dục. Muốn làm được điều này, người thầy phải áp dụng nhiều biện pháp tích cực chứ không phải quát mắng, trừng phạt cho hả giận”- ông Lâm phân tích.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, luật sư Lê Lưu Phú, Phó Giám đốc Công ty Luật Gia Nguyễn và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy định của Luật hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều của Bộ luật này.

Theo luật sư Phú, hiện nay việc học sinh vi phạm kỷ luật thường xuyên trong nhà trường đang là vấn đề đáng báo động. Việc dùng các biện pháp như đòn roi là không còn phù hợp. Thực trạng hiện nay có nhiều gia đình do áp lực vì công việc lao động hàng ngày đã phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, đến khi con họ vướng vào pháp luật rồi thì lúc đó đã quá muộn. Vì vậy, cần có một giải pháp phối hợp tích cực giữa gia đình và nhà trường nhằm nắm bắt nhanh chóng những hành vi của học sinh, kịp thời đưa ra biện pháp điều chỉnh trước khi quá muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảm hóa học trò bằng khuyên nhủ hay đòn roi?