Chiều 10/5, mẹ của cháu Ph. (trú xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) khi tắm cho con đã phát hiện trên lưng, bả vai con có nhiều vết bầm tím. Ph. là học sinh lớp 3, trường tiểu học Diễn Yên 1. Khi mẹ gặng hỏi, cháu Ph. trả lời do ở trên lớp không làm được bài nên bị cô giáo đánh. Khi vụ việc bung ra, lập tức dư luận dậy sóng.
Trước vụ việc bạo hành xảy ra trong trường học, ngay lập tức Sở Giáo dục-Đào tạo (GDĐT) Nghệ An đã vào cuộc xác minh, làm rõ và có biện pháp xử lý. Sở đã chỉ đạo Phòng GDĐT huyện Diễn Châu tạm đình chỉ 15 ngày với cô giáo đánh cháu Ph., học sinh lớp 3.
Đây là sự việc rất đáng tiếc. Giáo dục học sinh có nhiều phương pháp, biện pháp, nhất là với học sinh chưa ngoan. Nhưng cách dùng roi vọt, xâm phạm thân thể của học sinh là điều cấm kị, do nó thiếu tình thương, phản nhân văn, đã bị lên án là một biện pháp giáo dục cực đoan, sai lầm.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho biết, ngay khi nắm bắt được sự việc, Sở đã nhanh chóng chỉ đạo Phòng GDĐT huyện Diễn Châu, hiệu trưởng nhà trường cùng với giáo viên liên quan đến gia đình xin lỗi phụ huynh và động viên tinh thần học sinh. Đồng thời, nhà trường đã đình chỉ việc dạy học đối với giáo viên này.
“Trong suốt quá trình học online do dịch Covid-19, Sở GDĐT Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo các phòng GDĐT, nhà trường về việc chú ý đến tâm lý của học sinh để có những tác động, giáo dục phù hợp. Triết lý của giáo dục Nghệ An là giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm và lòng yêu thương. Bởi nếu không giáo dục học sinh bằng tình cảm thì dù giáo viên có giỏi đến mấy cũng không có ý nghĩa gì”- ông Thành cho biết.
Nếu như ai trong ngành Giáo dục, đặc biệt là những người trực tiếp đứng lớp làm nghề “gõ đầu trẻ” đều suy nghĩ và hành động như vậy thì tốt biết bao! Nhưng thật đáng tiếc đó đây vẫn còn việc giáo viên đánh, mắng học sinh và vẫn coi đó như một biện pháp giáo dục cần thiết. Đó là cách nghĩ sai lầm! Nghiêm khắc với học trò nhưng phải biết bao dung, nâng đỡ, nhất là với học trò chưa ngoan, học lực yếu. Đặc biệt là sau thời gian gián đoạn rất dài vì Covid-19, học sinh học trực tuyến ở nhà lâu ngày nên học lực nhiều em bị sa sút, rất có thể có những biểu hiện tâm lý khác so với bình thường. Vì thế thầy cô giáo lại càng phải yêu thương học trò của mình hơn, mới phải.
Trong cuộc sống, giáo viên cũng như những người khác, đôi khi họ cũng có nỗi niềm riêng, có những lúc khó kiểm soát được hành vi. Nhưng cũng không thể vì thế mà để cảm xúc chi phối dẫn tới việc xúc phạm nhân phẩm, đánh mắng học sinh. Nghề giáo là nghề “trồng người”, phải mẫu mực. Nhiều người ví rằng nhà trường như lề của tờ giấy, “giấy rách phải giữ lấy lề”. Vì thế, môi trường học đường văn minh không chấp nhận bạo lực, nhất là khi bạo lực lại đến từ giáo viên.
Anton Makarenko (1888 -1939) là nhà sư phạm lớn người Ukraine. Ông nổi tiếng với tác phẩm “Bài ca sư phạm” khi đưa ra những phương thức giáo dục không bao giờ lạc hậu: Đó là yêu thương và tin vào học trò, cảm hóa những đứa trẻ chưa ngoan bằng chính tấm lòng bao dung của người thầy.
Năm 1920, Makarenko được Sở Giáo dục Poltava giao cho tổ chức một ngôi trường dạy dỗ những đứa trẻ chưa ngoan, với 120 học sinh từ 12 đến 18 tuổi. Đó là những đứa trẻ có các tật xấu như nói dối, vô kỷ luật, lười học, hay mải chơi trốn học và thích gây gổ… Lúc bấy giờ, quan niệm phổ biến trong xã hội cho rằng trẻ em hư là do di truyền và hoàn cảnh xấu. Nhưng Makarenko không nghĩ vậy, ông đặt niềm tin vào học trò của mình. Ông tin rằng các em sẽ bỏ được thói hư tật xấu để trở thành công dân hữu ích nếu được thầy cô giáo tin tưởng, thương yêu. Sau 16 năm hoạt động, Makarenko đã đào tạo cho xã hội 3.000 công dân tốt. Từ đó, phương pháp sư phạm mang tên Makarenko lan rộng khắp thế giới.
Bài học lớn nhất của nhà giáo dục lỗi lạc Makarenko chính là chủ nghĩa nhân đạo và niềm tin không lay chuyển vào phẩm giá con người. Đó cũng chính là yêu cầu mang tính nguyên tắc của bất cứ hệ thống giáo dục nào, bất cứ thời kỳ nào...
Trở lại với việc cô giáo đánh học sinh ở Nghệ An. Đó là vụ việc cá biệt nhưng dẫu thế thì cũng rất cần tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo, rất cần được rút kinh nghiệm chung để cho từng ngôi trường của chúng ta đều đầy ắp tình yêu thương.