Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an, Công an TP Hà Nội điều tra, làm rõ hành vi bảo kê tại chợ Long Biên và những kẻ nhắn tin đe dọa giết cả gia đình phóng viên điều tra, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã lập tức khởi tố và bắt tạm giam 3 bị can liên quan.
Cách đó hơn 2 tháng, Công an TP Hà Nội cũng đã khởi tố vụ án cưỡng đoạt tài sản tại chợ Long Biên, nhưng tới trước thời điểm có chỉ đạo của Thủ tướng thì chưa có bất cứ người nào bị khởi tố về hành vi ép buộc tiểu thương chi tiền bất hợp pháp.
Cái may cho người dân là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã luôn sâu sát, quan tâm tới mọi vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong dư luận, dù là nhỏ nhất, để rồi đưa ra những chỉ đạo quyết liệt đối với các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết nhanh chóng, thấu tình đạt lý. Song, lại buồn ở chỗ không ít cơ quan chức năng còn thờ ơ đến vô cảm trong việc giải quyết sự bức xúc của người dân, để rồi Thủ tướng Chính phủ phải “cầm tay chỉ việc” mới chịu vào cuộc. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc có khá nhiều việc sẽ không được giải quyết nếu không có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Đương nhiên việc Thủ tướng quan tâm sâu sát tới từng việc nhỏ nhất là vô cùng đáng quý. Song, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng còn trăm công nghìn việc phải giải quyết trong công tác điều hành vĩ mô phát triển kinh tế xã hội của đất nước... vậy mà vẫn phải để tâm đến những việc mà lẽ ra các cơ quan chức năng đã có thể tự giải quyết một cách gọn gàng. Khi cấp dưới, không chỉ ở cấp tỉnh, mà cả cấp huyện, cấp xã cứ phải đợi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu như kiểu cầm tay chỉ việc mới xong, thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước.
Lẽ ra, các cấp từ địa phương tới trung ương (bao gồm cả các bộ, ngành, địa phương) phải là cánh tay nối dài của Chính phủ, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để Thủ tướng không còn bị phân tâm, vướng bận với các vấn đề cụ thể, dành toàn tâm toàn lực cho những hoạch định lớn để phát triển đất nước. Song, có không ít cơ quan, bộ, ngành, địa phương lại chậm trễ, thậm chí thờ ơ trước vấn đề nóng, khiến dư luận bức xúc, làm phiền đến Thủ tướng phải quan tâm giải quyết. Đáng lo là “căn bệnh” đẩy việc lên Chính phủ, “chờ chỉ đạo” đang ngày càng nhiều.
Đáng nói là sau mỗi vụ việc Thủ tướng Chính phủ phải đích thân ra lệnh giải quyết thì không có ai, cơ quan, bộ, ngành, địa phương nào phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ không thực hiện nhiệm vụ, giải quyết bức xúc của người dân. Không ít lần tại các cuộc họp cả ở trung ương và địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải nhấn mạnh về vấn nạn “trên nóng, dưới lạnh”, tức là Chính phủ thì quyết liệt, rốt ráo trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo hết lòng phục vụ người dân, trong khi ở dưới thì vẫn diễn ra phổ biến tình trạng hạch sách, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm.
Đơn cử, nhiệm vụ của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố là giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống thanh bình cho xã hội, kiên quyết xử lý triệt để các loại tội phạm, không gây oan sai cho người dân lương thiện... Điều đó được hiểu là khi có dấu hiệu tội phạm ở bất kỳ đâu, thuộc đối tượng nào thì cơ quan công an nói riêng, các cơ quan tố tụng nói chung phải lập tức vào cuộc điều tra, xử lý, thực thi công lý. Song, đáng buồn vì trên thực tế lại không phải như vậy. Chẳng phải mới tháng tư vừa rồi thôi, Thủ tướng đã phải đích thân chỉ đạo khởi tố vụ án đánh bác sĩ đó sao?
Hay như vụ chủ quán “Xin chào” bị Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) khởi tố oan, nếu không có sự vào cuộc của công luận; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì liệu các cơ quan tư pháp của TP HCM có chịu vào cuộc rà soát để minh oan cho ông này? Một ví dụ khác là vụ án trộn pin và phế phẩm cà phê vào tiêu ở Đắk Nông để tăng trọng lượng bán kiếm lời cũng phải có chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án. Đó chỉ là một vài ví dụ trong vô số vụ việc mà đích thân người đứng đầu Chính phủ đã phải chỉ đạo giải quyết mọi việc mới xong.
Trở lại câu chuyện 2 nữ nhà báo bị nhắn tin dọa giết cả gia đình. Nếu cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội và quận Ba Đình rốt ráo giải quyết vụ án cưỡng đoạt tài sản ở chợ Long Biên sau khi khởi tố vụ án (ngày 30/9), thì có lẽ đã không có vụ nhắn tin đe dọa giết người. Chính vì sau khi cơ quan công an khởi tố vụ án 2 tháng trời mà không thấy “động tĩnh” gì nên có thể một số kẻ lầm tưởng là vụ việc đã chìm xuồng, đã êm xuôi nên mới lại sinh tâm manh động nhắn tin đe dọa giết người.
Ở đây có 2 giả thiết, một là những kẻ trực tiếp phạm tội và một số cán bộ thoái hóa biến chất bảo kê cho đường dây phạm tội này chỉ đơn thuần nhắn tin đe dọa mà không dám làm gì, giả thiết thứ hai là họ sẽ manh động làm bừa vì nghĩ rằng đã có “chống lưng”, đã “mua” được ai đó hay cơ quan nào đó nên sẽ không việc gì cả. Trong trường hợp thứ hai chẳng phải bản thân các nữ nhà báo điều tra và gia đình, người thân của họ có phải là sẽ nguy lắm thay? Nếu sự việc đi xa tới mức như vậy thì cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Dư luận đang đặt ra một câu hỏi lớn: Nếu không có chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì liệu 3 đối tượng có liên quan trong vụ án có bị khởi tố bắt giam ngay trong chiều hôm đó?