Giao thông

Cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1: Cần chính sách hỗ trợ người dân thay thế phương tiện

Lê Khánh 14/07/2025 17:15

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa, quy định cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 của Hà Nội sẽ chính thức có hiệu lực. Do đó, Hà Nội cần nhanh chóng có chính sách hỗ trợ người dân thay thế phương tiện.

Theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên nói không với xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Đây được cho là cơ hội để ngăn chặn, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức cảnh báo tại các các đô thị lớn, nhưng cũng vừa thách thức khi lộ trình để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện chỉ trong 1 năm tới.

Bởi chỉ tính riêng Hà Nội, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết, ước tính Hà Nội có khoảng 7 triệu xe máy.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, việc chuyển đổi xe chạy xăng sang xe điện được xem là giải pháp cốt lõi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nội đô.

Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, nhất là yêu cầu về cơ sở hạ tầng trạm sạc cho xe điện. Nguyên nhân là do các chủ xe chủ yếu sạc xe tại nhà, bài toán đặt ra là cần phải có giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và giải quyết được vấn đề quá tải nguồn điện, nhất là tại các khu vực chung cư.

Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, muốn người dân chuyển sang xe máy điện, phải tính đến chuyện hỗ trợ tài chính, chứ không thể nói chuyển là gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để chuyển được.

"Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định chủ yếu đến từ hoạt động giao thông, công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp. Tôi nghĩ việc giải quyết vấn đề ô nhiễm từ lĩnh vực giao thông là trúng và đúng. Song rất cần có chính sách rõ ràng, có lộ trình hợp lý", ông Thủy phân tích.

z6802458884229_93a852d69d36b31daf025d08641c8004.jpg
Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh: Lê Khánh.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII, PGS.TS Bùi Thị An đánh giá chủ trương cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1 là "tuyệt đối đúng", đặc biệt đối với những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt chủ trương mà không ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cuộc sống của người dân, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh Hà Nội phải triển khai nhiều giải pháp.

Thứ nhất, Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ người dân thay thế phương tiện. Bởi xe máy vẫn là phương tiện mưu sinh của số đông người dân. Từ người bán hàng, shipper, xe ôm, công chức, người lao động đến sinh viên, thậm chí bà nội trợ cũng đều sử dụng xe máy.

Thứ hai, xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông xanh (các trạm sạc điện) đủ để đáp ứng nhu cầu khi người dân chuyển đổi phương tiện. Không độc quyền cổng sạc điện để khuyến khích người dân có thêm cơ hội lựa chọn phương tiện.

Thứ ba, phát triển phương tiện công cộng xanh nhằm đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt tại các điểm trung chuyển như bến xe, ga metro, trường học, chợ dân sinh.

Ví dụ, người dân di chuyển đến khu vực Vành đai 1, nếu đi xe máy xăng cần có chỗ gửi xe hợp lý, cùng với đó là các phương tiện công cộng xanh (buýt điện, metro) thuận tiện giúp họ tiếp tục hành trình mà không bị gián đoạn.

Về phía Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành cho hay, Bộ Xây dựng đang khẩn trương rà soát các nội dung liên quan để triển khai nội dung Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025.

Bộ Xây dựng tập trung thực hiện có lộ trình cụ thể trong năm 2025 và các năm tiếp theo các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn, thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thực hiện từ quý III/2025.

Tuyến vành đai 1 là trục chính đô thị kết nối từ đông sang tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội gồm phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục với tổng chiều dài 7,2 km.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1: Cần chính sách hỗ trợ người dân thay thế phương tiện