Sáng ngày 3/12, tại Hưng Yên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đã chủ trì Hội nghị tổng kết hoạt động Cụm thi đua Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2021.
Cùng tham dự có ông Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm thi đua.
Cụm thi đua các tỉnh Đồng Bằng sông Hồng bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình.
Khẳng định vai trò, vị thế của Mặt trận
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong năm 2021, Ủy ban MTTQ các tỉnh trong Cụm đã bám sát định hướng của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chỉ đạo của các cấp ủy, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc 5 Chương trình phối hợp và thống nhất hành động và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, phối hợp với các tổ chức thành viên, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa từng nội dung và thống nhất thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của MTTQ trong giai đoạn hiện nay.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với cả hệ thống chính trị, MTTQ các cấp trong Cụm thi đua đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân triển khai đầy đủ, kịp thời các yêu cầu chỉ đạo, các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, Mặt trận các cấp đã phát huy tốt vai trò tập hợp, vận động đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là trong vận động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội cho từng người dân.
Thống kê sơ bộ 9 tỉnh trong Cụm tham gia vận động, ủng hộ tiền, hàng hóa cho công tác phòng, chống dịch gần 740 tỷ đồng. Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận được số tiền 182 tỷ đồng; Hưng Yên là 136 tỷ đồng; Hải Dương là 99,2 tỷ đồng; Bắc Ninh là 126,7 tỷ đồng...
Từ nguồn quỹ vận động được, MTTQ các tỉnh trong Cụm đã phối hợp với UBND, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh tham mưu với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; hỗ trợ các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh; hỗ trợ cán bộ y yế đi hỗ trợ các tỉnh bạn; hỗ trợ bà con quê hương đang công tác, lao động, học tập tại các tỉnh có dịch bùng phát… với số tiền và hàng hóa, trang thiết bị trị giá hàng trăm tỷ đồng. Tiêu biểu như tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ 179 tỷ đồng; Hải Dương hỗ trợ 77,2 tỷ đồng; Hưng Yên hỗ trợ 36 tỷ đồng. Hà Nam hỗ trợ 17,3 tỷ đồng…
Cùng với đó, công tác chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách, người có công, những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được MTTQ các cấp trong Cụm triển khai thực hiện với nhiều kết quả nổi bật, được các cấp ủy, chính quyền, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Từ nguồn lực vận động được, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 281 căn nhà với số tiền trên 8,4 tỷ đồng; Vĩnh Phúc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 259 căn nhà với tổng số tiền trên 15,9 tỷ đồng; Hải Dương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 115 căn nhà với tổng số tiền trên 5,8 tỷ đồng và hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn xây dựng 10 căn nhà với số tiền 700 triệu đồng; tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ xây dựng 200 căn nhà….
Trong tình hình phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, nét mới là Ủy ban MTTQ các cấp đã linh hoạt, sáng tạo trong phương thức hoạt động, góp phần tích cực vào thành công chung của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu ở mức cao (tiêu biểu như Quảng Ninh 99,95%; Hải Dương 99,67%; Ninh Bình 99,57%; Hà Nam 99,47%; Vĩnh Phúc 99,41%; Nam Định 99,19%; Bắc Ninh 99,07%; Hưng Yên 98,03%...).
Các hoạt động giám sát và phản biện xã hội ngày càng nâng cao hơn về chất lượng, sau giám sát có những kiến nghị, đề nghị xác đáng đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết...
Tại Hội nghị, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 9 tỉnh trong cụm đã cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay trong triển khai 5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam, từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp để triển khai hiệu quả công tác Mặt trận trong năm 2022.
Các phong trào thi đua, cuộc vận động hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Ủy ban MTTQ Việt Nam 9 tỉnh trong Cụm thi đua, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, năm qua, MTTQ và các tổ chức thành viên đã phát huy vị thế, vai trò của mình, với nhiều dấu ấn quan trọng, nổi bật.
Trong đó phải kể đến sự vào cuộc của Mặt trận các cấp khi triển khai sâu rộng Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng với điểm nhấn là Hội nghị triển khai Chương trình hành động của MTTQ và tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội với sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và MTTQ đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội và nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên.
“Hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp tham gia tích cực, tận tâm, tận lực vận động, huy động mọi nguồn lực xã hội, đảm bảo an sinh xã hội với nhiều cách làm hay, sáng tạo, mới và linh hoạt; tham gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã để lại ấn tượng sâu sắc trong nhân dân”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng các hoạt động tập hợp, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà điểm nhấn là ngày hội đại đoàn kết toàn dân được tổ chức an toàn, có ý nghĩa; hoạt động giám sát, phản biện xã hội đổi mới theo hướng thực chất, được dư luận và nhân dân quan tâm, đánh giá cao.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước 5 năm 2021 - 2025. Đối với hệ thống MTTQ các cấp, đây là năm bản lề, là thời gian cao điểm tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần thứ 9, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Trước bối cảnh đó, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị hệ thống MTTQ các cấp cần tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp hoạt động, nhận định đúng đắn về tình hình đất nước để có những hoạt động thiết thực, hiệu quả, đồng hành cùng đất nước trong công cuộc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người có công, người nghèo, người yếu thế.
Trên tinh thần lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm phù hợp với vị trí, vai trò của Mặt trận, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, Mặt trận các cấp cần tiếp tục chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết, Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam các cấp bám sát định hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác của Mặt trận Trung ương; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại năm 2022 của mỗi địa phương, trong đó cần lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, ưu tiên nguồn lực để triển khai nhằm tạo kết quả rõ nét; khắc phục tình trạng dàn trải trong triển khai nhiệm vụ, nhất là các phong trào thi đua, các cuộc vận động để hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng lưu ý Mặt trận các cấp trong Cụm cần phát huy vai trò chủ trì, hiệp thương giữa các tổ chức thành viên của mặt trận, nhất là ở cơ sở, phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gắn với bảo đảm an sinh, xã hội cho người có công, người nghèo, người yếu thế trong xã hội; triển khai tích cực, hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động do Trung ương và địa phương phát động.
Nội dung tiếp theo được Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị là Mặt trận các cấp cần tiếp tục quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết đồng bào dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Chủ động đề xuất, phối hợp tổ chức thường xuyên các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các tầng lớp nhân dân theo địa bàn, khu vực, theo nhóm đối tượng để lắng nghe đầy đủ, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, phát huy dân chủ; chủ động phối hợp, giải quyết các vụ việc phức tạp nảy sinh từ cơ sở.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng nhấn mạnh tới nhiệm vụ đổi mới công tác giám sát, phản biện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề lớn, nổi cộm, liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân để tập trung nguồn lực thực hiện một cách đồng bộ, dứt điểm và có sản phẩm chất lượng; tăng cường giám sát theo chuyên đề, những vụ việc nổi cộm mà người dân quan tâm để đảm bảo tính chuyên sâu, thiết thực.
Cùng với đó, MTTQ các cấp cần chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế phối hợp giữa MTTQ với các tổ chức thành viên, với cơ quan, ban, ngành của địa phương để chủ động phối hợp từ đầu, từ sớm trong đó ưu tiên những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân; quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động công tác, nhất là trong quản trị, điều hành, tuyên truyền, trao đổi chuyên môn và nắm bắt tình hình nhân dân.
Đối với công tác thi đua khen thưởng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu lưu ý, Mặt trận các địa phương cần đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng nhằm tạo động lực, cổ vũ, động viên các đơn vị, cá nhân tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; nội dung thi đua cần gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống MTTQ, có tiêu chí đánh giá, xếp loại chi tiết, cụ thể và khách quan...
Đặc biệt, để nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị các cấp, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, bản thân mỗi cán bộ Mặt trận cần tự nâng cao uy tín, năng lực của bản thân, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, là hạt nhân quy tụ, tập hợp khối đoàn kết thống nhất trong mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi địa phương.
“Cán bộ Mặt trận phải là những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám hành động vì lợi ích chung; sâu sát đến từng thôn, xóm, nắm bắt tốt tình hình nhân dân và dư luận xã hội với phương châm "nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin". Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ
Trên tinh thần khách quan, dân chủ, đoàn kết, Hội nghị đã thực hiện việc bình xét các danh hiệu khen thưởng để đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét, quyết định. Hội nghị cũng đã đồng nhất suy tôn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên là đơn vị suất sắc trong cụm và bàn giao cụm trưởng Cụm thi đua các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2022 cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình.