Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là “gương mặt thân quen”, bởi ông là một nhà khoa học luôn xông pha, dấn thân để đưa khoa học vào đời sống. Điều đó, có lẽ cũng một phần do “con người Mặt trận” trong ông.
Nhiều năm qua GS Nguyễn Lân Dũng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học- Giáo dục và Môi trường. Nhìn lại quá trình hoạt động của MTTQ thời gian qua, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định: Cán bộ Mặt trận là người truyền cảm hứng thi đua trong cộng đồng.
PV:Trong những năm gần đây, vai trò của MTTQ Việt Nam ngày càng được khẳng định, Mặt trận “phủ sóng” hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ vận động, đoàn kết nhân dân xây dựng kinh tế, giữ gìn an ninh Tổ quốc cho tới giám sát, phản biện… hay gần đây là tham gia chống “đại dịch” Covid-19. Là một nhà khoa học, lại là “người của công chúng”, đồng thời cũng là “người Mặt trận”, ông đánh giá thế nào về những hoạt động mà Mặt trận đã đạt được trong những năm gần đây?
GS Nguyễn Lân Dũng: Cứ mỗi kỳ đại hội thi đua yêu nước là dịp mà chúng ta nhìn nhận lại chính mình, nhìn nhận lại những gì Mặt trận đã có những đóng góp gì cho xã hội. Nói đến Mặt trận, là nói đến những gì đại diện, tiêu biểu trong cả nước. Trong thời gian qua Mặt trận đã tham gia rất tích cực vào nhiều lĩnh vực.
Cá nhân tôi là “người nhà Mặt trận” qua đó cũng được đóng góp nhiều ý kiến cho xây dựng chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như cho các hoạt động của Mặt trận. Nhưng nếu tính thời gian gần đây, nổi bật nhất phải kể đến là phòng chống dịch Covid-19. Mặc dù dịch bệnh trở lại lần thứ hai nhưng số người bị chết rất ít so với thế giới và Việt Nam nhiều ngày đã không có ca nhiễm trong cộng đồng trong khi thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Đây là một sự nỗ lực không hề nhỏ của các cấp, các ngành từ Trung ương xuống địa phương.
Hy vọng rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi chúng ta thoát khỏi đại dịch này. Theo tôi, đây là công sức của cả nước chứ không phải chỉ sự hy sinh của đội ngũ y bác sỹ, của các đồng chí bộ đội, công an mà tất cả người dân đều nỗ lực cố gắng vì chỉ riêng việc ở nhà đã là yêu nước rồi. Việc chấp hành nghiêm chỉnh đeo khẩu trang, giãn cách xã hội đã là yêu nước, chưa kể tất cả mọi người đều đóng góp công sức để ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn do đại dịch.
MTTQ đã vận động, quyên góp rất nhiều để ủng hộ cho tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên ở các cấp còn kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tìm đến đồng bào vùng gặp khó khăn, những người mà không có công ăn việc làm do giãn cách xã hội, những công nhân không có việc làm, và những người nghèo để hỗ trợ. Sự hỗ trợ đó rất quan trọng, giữ được bình yên trong xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai gặp quá nhiều khó khăn trong đại dịch này. Rõ ràng MTTQ đã làm được rất tốt việc huy động tất cả các thành viên Mặt trận tham gia phong trào thi đua, trong đó có thi đua để đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực công tác, yếu tố thi đua lại thể hiện khác nhau. Đối với cán bộ Mặt trận nhất là cán bộ Mặt trận cơ sở thì theo ông, thi đua yêu nước phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể như thế nào để hiệu quả, để khuyến khích cả cộng đồng, vận động nhân dân làm theo?
- Mặt trận hoạt động dựa trên cơ sở phối hợp với các thành viên của mình. Đó là những người sát với quần chúng. Nếu không có quần chúng thi đua thì Mặt trận không thể làm được. Do đó, Mặt trận muốn thi đua thì cán bộ Mặt trận các địa phương phải thật sự hăng hái, làm sao có nhiều sáng kiến chứ không phải thi đua là kêu gọi chung chung mà phải bằng những hành động cụ thể, tấm gương cụ thể và thường xuyên động viên kịp thời những điển hình tiên tiến.
Trong dịp thi đua của Mặt trận, nhiều địa phương đã hưởng ứng Lời kêu gọi của Mặt trận, có những hành động thiết thực, những việc làm cụ thể trong phong trào thi đua yêu nước. Như vậy vai trò của cán bộ địa phương, trong đó có đội ngũ cán bộ Mặt trận là những người cực kỳ quan trọng. Họ là những người đốt lên ngọn lửa, thúc đẩy phong trào thi đua. Nếu không có những người tổ chức phong trào thi đua thì những phong trào thi đua khó lòng nổi lên được. Những người tổ chức phong trào thi đua ở các địa phương rất đáng được hoan nghênh, khuyến khích; động viên kịp thời những người có thành tích trong phong trào “phát động thi đua, theo dõi, động viên thi đua, nhắc nhở thi đua, tổng kết thi đua”. Tất cả những việc làm đó của cán bộ địa phương là hết sức quan trọng.
Trong nhiều năm trở lại đây, hoạt động của các hội đồng tư vấn (HĐTV) đóng vai trò quan trọng. Để MTTQ phát huy được nhiều hơn nữa trí tuệ của các HĐTV theo ông, trong thời gian tới phải có những biện pháp như thế nào?
- Chúng ta có các HĐTV bao trùm tất cả các hoạt động của xã hội. HĐTV Khoa học, Giáo dục và Môi trường mà tôi đang tham gia cũng đã tập hợp được đội ngũ cán bộ khoa học trong các lĩnh vực này, thường xuyên phản biện xã hội để đóng góp cho Quốc hội, đóng góp cho Chính phủ những ý kiến mà chúng tôi đi khảo sát tại chỗ, từng cơ sở hoạt động khoa học môi trường cũng như văn hóa, giáo dục. Qua khảo sát, chúng tôi cũng tìm ra được nhưng điển hình tiên tiến để từ đó nhắc nhở những nơi khác học tập; đồng thời đóng góp với Chính phủ để làm sao những chính sách đó nhân lên được những điển hình tiên tiến bởi vì chỉ những chính sách đúng mới có thể khuyến khích được các điển hình đó phát huy được tác dụng.
Do đó, tôi nghĩ rằng ý kiến của các HĐTV rất quan trọng. Nếu biến những ý kiến đó thành những chủ trương cụ thể thì sẽ phát huy được rất nhiều tác dụng, hữu ích trong cuộc sống.
Trân trọng cám ơn ông!