Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 587 cầu. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Vĩnh Tuy được tạm sử dụng làm nơi trông giữ phương tiện từ năm 2020. Tại gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng, vào giờ cao điểm hàng ngày, các phương tiện ra vào tấp nập. Một nhân viên cho biết, mỗi ngày có từ 700 - 800 xe máy, ô tô vào gửi, chủ yếu của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân các bệnh viện quanh đó gửi trong ngày. Bảng niêm yết giá dịch vụ trông giữ xe tại gầm cầu Ngã Tư Vọng. Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố có gần 8 triệu phương tiện, trong khi diện tích giao thông tĩnh mới đáp ứng được 25% nhu cầu đỗ xe. Hà Nội đang phải tận dụng mọi vị trí có thể để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân. Từ tháng 6/2020 đến nay, ước tính mỗi ngày các địa điểm trên trông giữ hơn 2.000 phương tiện, chấp hành tốt các quy định, trông giữ đúng diện tích, thu đúng giá, đảm bảo an ninh, an toàn, không gây ùn tắc. “Việc trông giữ xe khu vực gầm cầu đã giải quyết một phần nhu cầu của người dân, góp phần giảm áp lực giao thông tĩnh”, ông Bảo đánh giá. Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục cho phép sử dụng tạm thời khu vực 3 gầm cầu trên địa bàn thành phố để trông giữ phương tiện giao thông cho đến khi Luật Đường bộ được Quốc hội thông qua. Tại gầm cầu Vĩnh Tuy (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) bãi trông giữ xe đang hoạt động tại đây với quy mô khá lớn kéo dài từ cột T2 - T14 kéo dài gần 1km, được chia làm nhiều khu trông giữ, tổng cộng lên đến cả nghìn chiếc. Bãi xe dưới gầm cầu này được quây kín bằng hàng rào lưới sắt. Bên ngoài bãi có cắm biển đơn vị hoạt động trông giữ là Công ty TNHH Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Một góc của bãi giữ xe này rất lộ xộn, biển bảng quảng cáo, xe ô tô cũ nằm la liệt. Tại gầm cầu vượt Ngã Tư Sở đang được quây rào để trống, không sử dụng trông giữ phương tiện. Trong dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó có đặt ra các tiêu chí, không phải gầm cầu nào cũng đủ điều kiện để hoạt động trông giữ phương tiện. Cầu có gầm làm nơi trông xe phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật an toàn, không quá tuổi thọ khai thác, không trong thời gian sửa chữa, kiểm định, quan trắc. Gầm cầu thuộc tuyến phố chính không được dùng để trông xe. Khi dùng gầm cầu trông xe phải thiết kế giao thông đấu nối đường bộ trong khu vực và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.