Cận cảnh hình ảnh cây bom ba càng gây xúc động trong phim 'Đào, Phở và Piano'
Theo TTXVN•23/02/2024 14:58
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vẫn lưu giữ một cây bom ba càng, có lẽ là cây duy nhất còn sót lại trong số 93 cây được trang bị cho các chiến sĩ Thủ đô trong 'Bản hùng ca Hà Nội mùa Đông năm 1946'.
Trong bộ phim chiếu rạp "Đào, Phở và Piano" của đạo diễn Phi Tiến Sơn, nhiều người xem không khỏi xúc động ở phân cảnh kết phim, nhân vật nữ mặc áo dài trắng ôm bom ba càng đâm thẳng vào xe tăng địch tạo nên hình ảnh đầy bi tráng, hào hùng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội mùa Đông năm 1946.
Bom ba càng, vũ khí được đội cảm tử quân dùng để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép là nỗi kinh hoàng của quân Pháp tại Hà Nội mùa Đông năm 1946.
Bom ba càng được coi là biểu tượng của tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, gắn liền với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô chống lại thực dân Pháp.
Ðánh bom ba càng phải là những chiến sĩ cảm tử quân mưu trí, quả cảm, sẵn sàng hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy chỉ được sử dụng trong quãng thời gian ngắn ngủi nhưng loại vũ khí thô sơ này và những người sử dụng nó lại có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử quân đội ta.
Hiện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vẫn lưu giữ một cây bom ba càng. Đây là cây duy nhất còn sót lại trong số 93 cây được trang bị trong trận đánh Hà Nội mùa Đông 1946. Cây này được tìm thấy trong quá trình người dân đào đất xây nhà trên phố Hàng Bông năm 1983.
Nhiều khách tham quan Bảo tàng lịch sử quân đội Việt Nam rất chú ý tới bức tượng bằng đồng điêu khắc hình tượng chiến sĩ cảm tử quân đang cầm bom ba càng sẵn sàng chiến đấu của nhà điêu khắc Trần Đình Hòe cùng một quả bom ba càng duy nhất được trưng bày. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.