Một thống kê đáng tin cậy mới đây cho biết, người Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới. Ở Đông Nam Á, chúng ta chỉ cao hơn Philippines, Indonesia và thấp hơn hẳn Campuchia. Đối với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới thì người Việt Nam thấp hơn đến khoảng 13,1 cm đối với nam và 10,7 cm đối với nữ. Trong 3 thập kỷ qua, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng 4 cm. Vì sao vậy?
Chưa coi trọng giáo dục thể chất
Dù chưa có một thống kê chính thức về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục thể chất ở các nhà trường phổ thông song theo khảo sát của phóng viên thì hiện nay tại nhiều trường, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho môn học dục thể chất (GDTC) còn nhiều hạn chế và thiếu thốn. Đáng buồn ở chỗ dù có nhà thể chất nhưng một số trường lại tận dụng cho thuê phòng thể chất làm trung tâm tập bóng bàn, tập gym … còn học sinh ít khi được tập trong nhà thể chất.
Khảo sát tiết học thể dục ở một số trường trên quận Hai Bà Trưng thì mới phần nào hiểu vì sao học sinh lại không yêu thích môn học này. Học sinh trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết, chỉ ngày mưa hoặc có tiết dự giờ chúng em mới được vào nhà thể chất tập còn ngày thường thì tập ngoài sân. Có những hôm có hai ba lớp cùng có tiết thể dục vào một thời điểm thì chỉ có một lớp được vào tập bên trong nhà thể chất.
Còn tại trường THCS Quỳnh Mai, vẫn những bài tập cũ như nhiều năm về trước, đầu tiên cả lớp khởi động, tập mấy bài tập chân, tay, vai, bụng… rồi chia nhóm chạy thi cự ly ngắn, sau đó chạy quanh trường học vài vòng. Có cảm giác học sinh tham gia tiết thể dục như bị bắt buộc, hời hợt khua tay múa chân và nói chuyện riêng. Động tác bụng thì chẳng bạn nào cúi gập bụng thực sự, chỉ hơi ngả người phía trước là xong…
Bản thân các giáo viên cũng không hào hứng, mặc cho học sinh tập thế nào cũng được, miễn là không phá bĩnh. Ít nhận thấy sự tìm tòi, sáng tạo trong cách truyền đạt bài tập và truyền cảm hứng đến học sinh. Sự hào hứng chỉ xuất hiện khi thầy cô giáo tuyên bố nghỉ (thời gian tập tành chỉ khoảng già nửa tiết học). Học sinh thoải mái cười đùa, cũng có thầy cô nhắc giữ trật tự cho các lớp khác đang học, có em thì mang điện thoại ra một một góc chat hoặc chơi điện tử…
Ở một số trường khác cũng vậy, chúng tôi không nhận thấy sự hào hứng của học sinh trong tiết thể dục, có chăng thì nhiều em cho rằng tiết thể dục đơn giản là được ra sân nói chuyện thoải mái. Nếu nhà trường tổ chức dạy Airobic, hip hop, dance sport hoặc võ thuật, bóng rổ, bơi lội… chúng em thấy thiết thực và hấp dẫn hơn. Nhưng chắc còn lâu mới được học bơi, học bóng rổ, võ thuật mà không phải đóng tiền… thêm - một học sinh nữ tỏ ra khá căn cơ chia sẻ. Theo chia sẻ của học sinh thì những môn này nhiều trường cũng có dạy nhưng là tổ chức theo dạng câu lạc bộ (tạm hiểu là dạy thêm), ai học thì đóng tiền chứ không dạy thành chương trình trong trường.
Về phía giáo viên, theo nhận xét của hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội đội ngũ giáo viên trong các trường học còn thiếu và yếu, đặc biệt ở cấp tiểu học. Theo thầy giáo Hà Huy Lâm – người cả đời gắn bó với công tác thể dục thể thao, nguyên giáo viên thể dục Trường PTTH Đoàn Kết thì yêu cầu cơ bản đối với môn giáo dục thể chất là phải có chuyên môn sâu mới đáp ứng yêu cầu đào tạo, tạo hứng khởi cho học sinh. Tuy nhiên hiện nay, theo thống kê thì chỉ có khoảng hơn 10% trường tiểu học có giáo viên chuyên trách môn thể dục.
Đổi mới phương pháp dạy và học
Đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” đã chỉ rõ vai trò quan trọng của giáo dục thể chất và thể dục thể thao trong các trường học đối với sự phát triển thể lực tầm vóc người Việt Nam. Đồng thời, theo thông tin mới đây từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam hiện thấp nhất khu vực châu Á. |
Theo thông tin mới đây từ Viện dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam hiện thấp nhất khu vực châu Á. Cụ thể, trong 30 năm qua, người Việt cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được một cm. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164 cm, thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố khẩu phần ăn còn một nguyên nhân rất cơ bản là do lười vận động.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao thể chất con người, Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra tiêu chí: Giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ, trong đó có ít nhất 50% cơ sở tổ chức dạy bơi cho học sinh; 50% trường mầm non, 70% cơ sở giáo dục phổ thông, 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy hoặc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Có ít nhất 80% trường mầm non có sân chơi, phòng học giáo dục thể chất được trang bị đủ thiết bị, đồ chơi vận động tối thiểu cho trẻ em theo quy định;...
Về thể chất nhỏ và yếu của người Việt Nam, Giáo sư Dương Nghiệp Chí, Viện khoa học thể dục thể thao Việt Nam cho rằng đó là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Lâu nay, tại Việt Nam, giáo dục thể chất chưa coi trọng và đầu tư xứng đáng.
Còn dưới góc nhìn của thầy Duy Khánh (Trường PTCS Nguyễn Phong Sắc) thì môn thể dục là cực kỳ quan trọng, nhưng thực tế nó vẫn chỉ mang sứ mệnh cơ bản là đảm bảo đủ số đầu điểm, để phụ huynh có thể yên tâm rằng con em mình đã được đào tạo một cách toàn diện.
Theo thầy Hà Huy Lâm, rèn luyện thể lực không chỉ nâng cao tầm vóc mà còn rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên khi bước vào tuổi lao động, đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoài ra, hoạt động thể dục, thể thao còn giúp các em tự tin, giao tiếp tốt hơn. Song trên thực tế thể dục vẫn được coi là môn phụ, mỗi lớp một tuần chỉ có 1-2 tiết với các bài tập nhàm chán. Thầy Lâm cho rằng, trong mỗi giờ lên lớp, giáo viên cần sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp và linh hoạt.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo từng cho biết: Ngành giáo dục Hà Nội đặt mục tiêu dạy học sinh thành nhân trước khi thành tài. Theo đó, tất cả các trường học đều có giáo viên chuyên dạy thể chất đạt tiêu chuẩn, chú trọng đổi mới nội dung môn học để thu hút học sinh.
Trong nhiều bài phát biểu khi dự ngày khai giảng năm học mới tại các trường học vừa qua, nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, đưa võ cổ truyền trong các trường phổ thông. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn nhấn mạnh: Phát triển giáo dục toàn diện đối với học sinh phổ thông không thể thiếu vai trò của giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, trong đó việc duy trì đều đặn hoạt động tập thể dục, tập luyện các bài võ cổ truyền.
Chủ trương thì rõ vậy nhưng sự chuyển biến trong công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học vẫn còn mờ nhạt. Vì vậy tầm vóc người Việt khó có thể cải thiện.