Quốc hội

Cần công khai, minh bạch việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri

Việt Thắng 23/05/2024 16:28

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tới dự phiên thảo luận có: Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

z5468435952509_9744e866a72e7e565bef7cdb84606659.jpg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tới dự phiên họp (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đề nghị, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian tới đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội có nhiều hình thức hơn nữa trong công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành trung ương. Đôn đốc, giám sát việc thực hiện, tránh tình trạng tiếp thu chung chung, không có giải pháp và hướng giải quyết cụ thể. Đồng thời cần công khai, minh bạch việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo bà Thúy, Chính phủ, các bộ, ngành nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp xem xét, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo đúng quy định. Cần có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri riêng cho mỗi tỉnh, thành phố, không nên trả lời chung tại một văn bản, gây khó khăn trong quá trình theo dõi, cập nhật, thống kê thông tin đến cử tri.

Bà Thuý cũng đề nghị, những vấn đề cử tri kiến nghị cần có sự chuyển biến tích cực về thực chất, do đó trong đánh giá việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành, bên cạnh xem xét các hoạt động đã triển khai, cần đánh giá sự chuyển biến thực chất của vấn đề cử tri phản ánh.

Theo ĐB Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định), Quốc hội qua các kiến nghị của cử tri thì có chọn lọc những nhóm kiến nghị, vướng mắc nhiều, nhất là những vướng mắc về pháp luật để tổng hợp thực hiện giám sát bằng hình thức phù hợp. Nếu đã thấy đầy đủ cơ sở thì có kiến nghị xem xét sửa đổi các quy luật, các quy định pháp luật có liên quan.

z5468561026916_b34972def662f0877dc3563cecea298c.jpg
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội trong thời gian tới, Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề tại mỗi kỳ họp Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó nêu rõ giải pháp thực hiện, nhất là đối với các kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát.

Liên quan đến vấn đề ĐB Siu Hương (Đoàn Gia Lai) phản ánh về việc đền bù, hỗ trợ trong phạm vi 300m từ công trình điện gió, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể trong pháp luật về hành lang an toàn điện gió được xem xét đền bù theo pháp luật về đất đai. Những công trình nằm trong phạm vi cột điện gió thuộc đối tượng thỏa thuận với chủ đầu tư.

z5468561360950_89fb2acb055d7bda7f6d7742a616065a.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời ý kiến đại biểu nêu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Diên cũng cho hay, trong quá trình triển khai các dự án điện gió, chủ đầu tư và các bên liên quan chưa quan tâm và chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể là, tại khoản 2, Điều 13 của Thông tư 02 năm 2019 của Bộ Công Thương đã quy định là chỉ ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt, hoặc không có người dân sinh sống; thứ hai là, tại Điều 4 của Luật Xây dựng có nêu, khi đầu tư công trình này phải bảo đảm đầu tư xây dựng công trình phù hợp với điều kiện tự nhiên xã hội, đặc điểm văn hóa xã hội của địa phương, bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân .

Về hướng giải quyết những vấn đề đang tồn tại, Bộ trưởng Bộ Công thương đề xuất các giải pháp như thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản chỉ đạo số 2824 ngày 24/4/2023, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có quy định hành lang bảo vệ an toàn ngoài các công trình công cộng, quốc phòng an ninh đã được quy định trong Luật Đất đai hiện hành.

"Trong khi chờ sửa đổi bổ sung luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu trình Chính phủ hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đất, tài sản trên đất nằm trên khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió. Như vậy, Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giải quyết vấn đề này. Đặc biệt, trong quá trình sửa đổi Luật Điện lực, chúng tôi cũng sẽ cố gắng thiết kế cái điều này trong quy định Luật Điện lực để giải quyết"-ông Diên nói.

z5468435103119_1e5f81072fe0824a267d853052d8ae2f.jpg
Bà Siu Hương phát biểu trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Trước đó, ĐB Siu Hương (Đoàn Gia Lai) cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đã kiến nghị, đề nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn hoặc ban hành đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể về bảo vệ an toàn công trình điện gió, và bồi thường đối với diện tích đất, tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió như xác định diện tích ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, tính toán mức bồi thường hỗ trợ về đất, nhà cửa, cây trồng, chuồng trại, gia súc để làm cơ sở triển khai thực hiện góp phần ổn định an ninh trật tự các địa phương có dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên theo bà Hương, đến nay qua các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn về việc hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn tháp gió của nhà máy điện chưa được ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần công khai, minh bạch việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri