Bất động sản

Cần cú hích tăng nguồn cung nhà ở xã hội

H.Hương – H.Dương 22/07/2025 15:36

Kích tín dụng nhà ở xã hội là một mũi tên trúng nhiều đích. Với doanh nghiệp (DN), tín dụng tạo điều kiện để DN tiếp cận dòng vốn tăng cung bất động sản (BĐS) nói chung, còn với người dân là mở thêm cơ hội để hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở.

kt bat dong san nha o xa hoi
Cần nhiều giải pháp để tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Ảnh: P.Hùng.

Người trẻ khó tiếp cận nhà ở

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, để mua được một căn nhà trung bình (70m2, giá khoảng 3 - 4 tỷ đồng) tại các đô thị, người trẻ phải cần tới 20-25 năm thu nhập.

Thực tế cũng cho thấy, phần lớn cặp vợ chồng trẻ ở đô thị có thu nhập trung bình 20-30 triệu đồng/tháng đều phải thuê nhà hoặc sống cùng gia đình, rất ít người đủ tích lũy mua nhà ở nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ gia đình hoặc các chương trình tín dụng ưu đãi.

Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở là do nguồn cung BĐS còn hạn chế và giá tăng cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân, trong đó có người trẻ. Thị trường nhà ở thiếu vắng các mô hình như thuê dài hạn, thuê mua linh hoạt… trong khi lãi suất cho vay thương mại hiện vẫn khá cao, thời hạn vay chưa đủ dài so với nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhìn nhận, thị trường BĐS “dễ bị thao túng” dẫn đến tình trạng giá ảo ở nhiều khu vực.

Theo dữ liệu của VARS, đến hết quý I/2025, thị trường có khoảng 14.500 sản phẩm chào bán mới, giảm một nửa so với cuối năm ngoái. Trong đó, 58% tỷ trọng thuộc về phân khúc cao cấp, hạng sang, tăng 11% theo năm.

Tỷ trọng phân khúc bình dân (gồm nhà ở xã hội) dù được cải thiện, chiếm gần 13% với khoảng 2.000 sản phẩm nhưng vẫn rất khiêm tốn so với nhu cầu, ước tính hàng triệu sản phẩm.

Thúc tín dụng nhà ở xã hội

Giới chuyên gia cho rằng, nên nghiên cứu mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở, cho phép người lao động trích một phần lương hàng tháng vào quỹ để được vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, hoặc thưởng tiền vào tài khoản tiết kiệm nhà ở cho những bạn trẻ tích lũy đạt mốc nhất định.

Theo ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cần cải thiện tiếp cận tín dụng, triển khai gói vay ưu đãi dài hạn, trong đó bố trí đủ và đúng hạn nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Việc phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị gắn với phát triển kinh tế bền vững. Các ngân hàng đã dành một phần vốn lớn để triển khai cho vay ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội và người mua nhà song tốc độ tăng tín dụng nhà ở xã hội chưa như mong muốn. Bên cạnh nguyên nhân thiếu nguồn cung, còn nguyên nhân do các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thẩm định và phê duyệt pháp lý của các dự án, thủ tục giải phóng mặt bằng... Trong khi đó, về phía cầu, người muốn mua nhà thì năng lực tài chính bị hạn chế do thu nhập thấp.

Theo giới chuyên gia, rất cần một “cú hích” để tăng tốc giải ngân nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội với 3 trọng điểm. Theo đó, thứ nhất, tăng nguồn cung bằng cách tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án; mở rộng đối tượng dự án, cho phép các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi một phần thành nhà ở xã hội, đặc biệt là ở các khu vực có nhu cầu lớn; đồng thời xây dựng Quỹ phát triển nhà ở xã hội để tạo nguồn vốn dài hạn, ổn định cho phát triển nhà ở xã hội, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ ngân hàng. Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục cho vay bằng cách rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, tăng cường phối hợp giữa các bên. Và thứ ba, mở rộng đối tượng vay vốn, đồng thời tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi về lãi suất, thời gian vay phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là đối tượng chính sách.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, đã đề nghị các bộ, cơ quan khẩn trương triển khai các giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết 201/2025/QH15, đặc biệt là nội dung giải pháp thành lập Quỹ nhà ở quốc gia và các giải pháp để tăng nguồn cung. NHNN kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát đánh giá, nhu cầu của người dân tại các địa phương để có định hướng phát triển nhà ở phù hợp; rà soát các vướng mắc tại các dự án để có giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội tại địa bàn. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn tín dụng cụ thể đối với từng dự án nhà ở xã hội theo từng năm để các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn để cho vay tránh lãng phí nguồn lực...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần cú hích tăng nguồn cung nhà ở xã hội