Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT; trường hợp cần thiết có thể xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đúng bản chất của hàng hóa, dịch vụ.
Bảo đảm sự thống nhất, ổn định
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 49 ngày 17/4/2024 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2024.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (thuế VAT). Đây là dự án Luật khó, phức tạp, có đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh rộng, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp (DN).
Chính phủ đánh giá cao Bộ Tài chính trong việc chuẩn bị, trình Chính phủ dự án Luật Thuế VAT (sửa đổi); các bộ, cơ quan liên quan đã tích cực tham gia ý kiến, hoàn thiện dự án Luật này với tinh thần trách nhiệm cao.
Chính phủ thống nhất cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thuế VAT (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đầy đủ, thống nhất, ổn định chính sách thuế VAT, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Thuế VAT hiện hành. Nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thuế VAT (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 115 ngày 28/7/2023 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2023.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ và ý kiến tại phiên họp Chính phủ; tăng cường tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, DN và đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Trong đó lưu ý, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế VAT phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế, bảo đảm minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người dân, DN; khuyến khích hoạt động sản xuất trong nước, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thúc đẩy 3 động lực chủ yếu góp phần tăng trưởng kinh tế: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Đồng thời, bổ sung, rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung của dự thảo Luật, kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp xử lý trong trường hợp phát sinh nội dung trái, mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy định của pháp luật hiện hành với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; thuyết minh chi tiết việc sửa đổi, bổ sung từng quy định trong dự thảo Luật, trong đó nêu rõ nội dung kế thừa quy định của Luật Thuế VAT hiện hành, nội dung sửa đổi, bổ sung mới tại dự thảo Luật, bảo đảm yêu cầu về phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.
Nghiên cứu rà soát, luật hóa những vấn đề đã được áp dụng ổn định, thống nhất, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; đối với những vấn đề chưa có tính ổn định cao hoặc trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì quy định mang tính nguyên tắc và giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, chủ động điều chỉnh khi cần thiết như: quy định mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT của hộ, cá nhân kinh doanh; quy định mức giá trị của chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua từng lần...
Rà soát kỹ quy định về các trường hợp, điều kiện được hoàn thuế VAT
Về quy định đối tượng không chịu thuế VAT, Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong từng lĩnh vực; trường hợp cần thiết có thể xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đúng bản chất của hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT.
Về quy định dịch vụ xuất khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 0%, Bộ Tài chính tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thực tiễn thi hành để nghiên cứu quy định tiêu chí, nguyên tắc phân loại, xác định dịch vụ xuất khẩu để làm cơ sở cho việc quy định các trường hợp dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%, bảo đảm công bằng, đúng bản chất của dịch vụ xuất khẩu, đồng thời kết hợp hài hòa giữa yêu cầu quản lý nhà nước và lợi ích của các DN trong lĩnh vực xuất khẩu.
Về quy định hoàn thuế VAT, Bộ Tài chính rà soát kỹ quy định về các trường hợp, điều kiện được hoàn thuế VAT, bảo đảm hợp lý, khả thi, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, DN; nghiên cứu quy định về hoàn thuế VAT đối với trường hợp DN chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi DN, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động để bảo đảm có tính khả thi; quy định cụ thể, phù hợp về quy trình, thủ tục và trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật về quản lý thuế.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thuế VAT (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15.