Kinh tế

Cần làm gì trong thời gian Mỹ hoãn thuế?

Hồ Hương 11/04/2025 10:00

Rạng sáng nay 10/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia không đánh thuế trả đũa Mỹ. Thông tin này mở ra cơ hội cho đàm phán của các nền kinh tế với Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương cho rằng, cả doanh nghiệp và nhà điều hành cần điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu. Chúng ta cần chuyển từ nền kinh tế gia công lắp ráp, sang sản xuất hàng hoá hàm lượng chất lượng cao, công nghệ cao, sử dụng tay nghề lao động cao mà trong đó phát triển công nghiệp bán dẫn là định hướng đúng.

PV: Theo ông, chúng ta cần phải chuẩn bị điều gì cho cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong thời gian tới?

mr Lê Quốc Phương
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương

TS Lê Quốc Phương: Từ khi tiếp nhận thông tin về thuế đối ứng, nhà điều hành Việt Nam đã có những bước đi rất nhanh nhạy, phù hợp với tình hình. Đó là cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Qua đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu thông điệp lớn: Việt Nam sẵn sàng đàm phán nhằm đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa Mỹ, tăng cường mua sắm các mặt hàng Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu...

Tiếp theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã cử Đặc phái viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tới Mỹ. Bên cạnh đó là rất nhiều cuộc họp bàn giữa Chính phủ với các bộ, ngành, hàng để tiếp thu, đưa ra giải pháp để hoá giải "vòng kim cô" thuế đối ứng mà Mỹ muốn áp lên hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam.

Trước đó nữa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có cuộc làm việc với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Chúng ta xác định nền kinh tế và cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam - Hoa Kỳ có tính bổ trợ cho nhau nên kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng nhanh, ổn định nhiều năm qua, bảo đảm các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương. Chính sách nhất quán của Việt Nam là mong muốn xây dựng mối quan hệ quan hệ kinh tế, thương mại hài hòa, bền vững, ổn định, đôi bên cùng có lợi với Hoa Kỳ; đồng thời không có ý định tạo ra bất cứ cản trở nào có thể gây phương hại đến người lao động hay an ninh kinh tế, an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã thông tin về các nhóm giải pháp cụ thể mà Chính phủ Việt Nam đang chủ động triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ một cách toàn diện, hài hòa và bền vững; đề nghị cấp kỹ thuật 2 nước tiếp tục trao đổi để Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; cho rằng đây sẽ là quyết định quan trọng, tương xứng với tầm vóc của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hiện nay giữa hai nước.

Không chỉ có họp bàn , Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP, chính thức sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế. Đây được xem là một bước đi chiến lược. Một trong những điểm nổi bật nhất của Nghị định 73 là việc điều chỉnh giảm mạnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nhiều nhóm hàng thiết yếu và có giá trị cao, bao gồm ô tô, sản phẩm gỗ, khí tự nhiên và ethane.

Ông nhận định thế nào về quyết định hoãn thuế đối ứng của chính quyền Mỹ?

- Chính quyền Tổng thống Trump quyết định đảo chiều, hoãn quyết định áp thuế trong 90 ngày đối với 75 quốc gia cũng vì nhiều lý do. Họ nhằm phân rõ sự khác biệt giữa Trung Quốc và các nước khác trong việc áp thuế trả đũa hay không đối với Mỹ. Từ đó, tạo động lực khuyến khích đàm phán song phương.

Quyết định này cũng thấy rằng, mức thuế 10% tạm thời mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách liên bang Mỹ, hỗ trợ cho mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ hiện lên tới 1.200 tỷ USD trong năm 2024 và giúp giảm thâm hụt ngân sách lên tới 2.000 tỷ USD trong năm 2024.

Có nhiều góc nhìn, nhưng rõ ràng quyết định hoãn áp thuế là rất đáng mừng. Song quan trọng hơn, chúng ta cũng nên bàn tới chuyện doanh nghiệp và nhà điều hành cần phải chuẩn bị điều gì tốt nhất cho cuộc đàm phán được Đại diện Thương mại chia sẻ là sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Vậy việc quan trọng nhất chúng ta cần làm trong giai đoạn 90 ngày tới là gì thưa ông?

- Sẽ có nhiều việc phải làm, phải đàm phán với Hoa Kỳ dựa trên những việc đã đề xuất. Phía Mỹ yêu cầu nhiều thứ, không chỉ có mỗi thuế đối ứng, mà cả hàng rào phi thuế quan, thao túng tiền tệ...

Vậy chúng ta cần cam kết gì và sẽ thực hiện ra sao trước các điều kiện được đưa ra. Theo tôi chúng ta cần có định hướng xuất siêu sang Mỹ nhưng đó là xuất siêu thương mại hàng hóa, trong khi nhập siêu thương mại dịch vụ từ Mỹ - một thứ rất khó thống kê.

Thương mại dịch vụ lđược ví dụ với việc sinh viên việt Nam qua Mỹ học với con số khoảng hơn 30 nghìn. Ngoài ra trong lĩnh vực giáo dục, Mỹ có nhiều cơ sở giáo dục ở Việt Nam.

Một ví dụ nữa như việc chúng ta mua bản quyền phần mềm ở Mỹ rất nhiều. Chúng ta mua máy tính nhưng các phần mềm được cài trong máy tính là phần mềm bản quyền Mỹ và chúng ta đang trả tiền cho bản quyền phần mềm này. Chưa kể các dịch vụ y tế người Việt Nam sang Mỹ khám và chữa bệnh cũng có.

Trong tính toán thương mại cũng cần chú ý luận điểm Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam đang xuất khẩu hộ hàng xuất xứ Trung Quốc nhưng trên thực tế không hề có việc đó. Chúng ta mua hàng hóa của Trung Quốc một cách sòng phẳng, giá nhà cung cấp nào mềm thì doanh nghiệp mua, thị trường quyết định giá cả. Đương nhiên có thể có một số ít hàng hóa gian lận xuất xứ. Đây cũng chính là vấn đề mà các cơ quan quản lý và nhà điều hành Việt Nam muốn làm triệt để.

Điều Việt Nam cần chú ý là nền kinh tế xuất siêu sang Mỹ nhưng đó là phần lớn của những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn bản thân doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nội địa không xuất siêu được nhiều như phía Hoa Kỳ tính toán.

Điều quan trọng vẫn là chờ kết quả đàm phán. Trong thời gian chờ doanh nghiệp cần lưu ý gì?

- Tôi không nghĩ là chỉ mỗi doanh nghiệp, các nhà điều hành cũng cần điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu. Thẳng thắn mà nói, trong nguy có cơ. Chúng ta cần chuyển từ nền kinh tế gia công lắp ráp, sang sản xuất hàng hóa hàm lượng chất lượng cao, công nghệ cao, sử dụng tay nghề lao động cao mà trong đó phát triển công nghiệp bán dẫn là định hướng đúng. Chuyển từ lao động tay nghề thấp sang lao động tiên tiến. Quá trình này chúng ta đã và đang làm nhưng làm chậm, thì nay phải làm rất nhanh, không được chần chừ gì nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần làm gì trong thời gian Mỹ hoãn thuế?