Sáng 16/11, trả lời phóng viên về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, ĐB Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ - Môi trường cho rằng: Bộ trưởng Trần Hồng Hà thể hiện trách nhiệm của mình rất tốt; nhận trách nhiệm và có hứa hẹn quyết sách rất mạnh trong vấn đề môi trường và xử lý cán bộ.
Ông Lê Hồng Tịnh.
PV:Các chuyên gia cho rằng để làm được đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho tử tế thì chi phí lớn mà hiện nay mình chưa làm việc đó được. Vậy cách khắc phục thế nào trong phạm vi có thể?
Ông Lê Hồng Tịnh: Vấn đề đặt ra trong Luật Môi trường thiên về hậu kiểm nhiều. Bây giờ một số dự án gây ảnh hưởng môi trường, gây tác động lớn đến môi trường phải có 2 bước để chống lãng phí giai đoạn đầu. Bước đầu tiên đánh giá tác động sơ bộ để thấy có được đầu tư hay không thì hãy cho người ta làm. Nếu không người ta làm rồi mà bỏ đi thì tốn kém. Ngay từ đầu phải có trọng tâm trọng điểm lựa chọn.
Liên quan Formosa thì cá nhân ông thấy Bộ trưởng giải đáp thoả đáng chưa? Nếu có điều kiện ông chất vấn thêm điều gì?
Formosa đúng là một thảm họa về môi trường của Việt Nam từ trước đến giờ chưa từng có. Việc trả lời vì là bộ trưởng mới lên trong giai đoạn ngắn như vậy cũng chưa bao quát hết được. Với trách nhiệm bộ trưởng đã nhận như thế tôi cho là cũng thoả đáng trong tình hình hiện nay.
Còn việc bộ trưởng nêu một số ý kiến như thế tôi cho là trách nhiệm của bộ đặt ra cũng chưa được rõ. Địa bàn địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm tập thể như vậy chưa được rõ mà không rõ được trách nhiệm thì khó có thể khắc phục được.
Dự án Formosa sản xuất thép phục vụ công nghiệp, không phải thép xây dựng. Còn dự án Cà Ná cũng hướng tới sản xuất thép công nghiệp. Bản thân Formosa nếu đi vào hoạt động cũng thừa nhu cầu trong nước rồi, tại sao chúng ta vẫn làm thép Cà Ná, thưa ông?
Thêm dự án này có lý do là trước đây có quy hoạch. Sau đó Vinashin thôi, đã đưa ra ngoài quy hoạch. Rồi sau đó Tôn Hoa Sen muốn làm. Dự án này nặng về thép chế tạo.
Vậy ông có lưu ý gì với dự án thép Cà Ná?
Thép Cà Ná phải nghiên cứu kỹ. Tôi quan tâm nhất vấn đề công nghệ làm sao bảo đảm môi trường, tránh vấn đề xảy ra như Formosa. Thực tế các nhà máy thép trên thế giới gần cảng để vận chuyển lớn, gần nguồn nước. Nhưng phải kiểm soát vấn đề công nghệ vào Việt Nam.
Tới đây đưa vào sửa luật công nghệ, tránh đưa vào công nghệ lạc hậu, biến Việt Nam thành bãi rác. Cái này không biết có ngăn chặn được không. Nếu không ngăn chặn được thì là một hiểm họa. Cho nên Uỷ ban Khoa học công nghệ rất quan tâm dự án Cà Ná này và có những cảnh báo trước với cơ quan quản lý nhà nước.
Việc cần thiết hay không do Chính phủ cân đối, nếu quy hoạch dài hạn thấy cần thiết đầu tư thì việc này phụ thuộc tính khả thi dự án, lựa chọn công nghệ, khả năng đáp ứng. Tỉnh Ninh Thuận là vùng khô hạn thiếu nước, sản xuất thép thì tốn nước nhiều. Thứ nữa là sản xuất thép rất tốn điện, năng lượng là một vấn đề cần lưu ý.