Trong trường hợp thí sinh đã đạt mức điểm an toàn và các nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển được cân nhắc kỹ, đúng sở trường, sở thích thì không nhất thiết phải điều chỉnh NV.
Từ ngày 24 - 25/8, Cổng thông tin tuyển sinh sẽ mở để thí sinh thực tập điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Cơ hội và rủi ro
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay nhích cao hơn năm trước. Do vậy thí sinh cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi lựa chọn NV đăng ký xét tuyển ĐH, tránh để rơi vào thế bất lợi do chủ quan.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, trên hệ thống đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2021 có 3,8 triệu NV đăng ký xét tuyển. Trong đó, ngành có đông NV nhất là nhóm ngành kinh doanh và quản lý với hơn 1,2 triệu NV, tiếp đó là nhóm ngành Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và hành vi, nhân văn…
Tuy nhiên, nếu xét theo tỷ lệ NV 1 thì kinh doanh quản lý chỉ đứng thứ 6 trong số những nhóm ngành có thí sinh đăng ký nhiều nhất. Những ngành có sự cạnh tranh mạnh, nhiều thí sinh đăng ký nhất năm nay là: An ninh Quốc phòng; Báo chí và thông tin, Nghệ thuật; Du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân, Khoa học xã hội và hành vi.
Vì đỗ NV 1 nghĩa là trượt các NV khác nên khi sắp xếp thứ tự NV, thí sinh luôn luôn phải ưu tiên ngành học, trường học mình yêu thích nhất lên vị trí đầu tiên. Kể cả có hơi “quá sức” một chút so với kết quả thi thì cũng là bình thường vì luôn có những bất ngờ không ai dự đoán trước.
Tiếp theo là các NV ở ngành học hoặc khối trường ít yêu thích hơn, điểm chuẩn thấp hơn… theo nguyên tắc 2-3 NV đầu là những ngành ưu tiên nhất và dự báo điểm chuẩn có thể bằng hoặc thậm chí cao hơn điểm thi thực tế 1-1,5 điểm.
“Nếu dự báo điểm chuẩn của các NV 1-2 thấp hơn điểm thi thì vẫn nên chọn thêm một số ngành ưa thích có dự báo điểm chuẩn thấp hơn nữa cho an toàn”- PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra lời khuyên.
Điều các thí sinh cần làm bây giờ là rà soát lại những ngành và trường ĐH mình đã lựa chọn dựa trên sở thích và năng lực của bản thân, xem kỹ các điều kiện và tổ hợp xét tuyển của từng ngành, từng trường. Trong trường hợp thí sinh đã đạt mức điểm an toàn và các NV đăng ký xét tuyển được cân nhắc kỹ, đúng sở trường, sở thích thì không nhất thiết phải điều chỉnh NV.
Theo TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển hay không tuỳ thuộc vào nhu cầu của thí sinh. Không bắt buộc tất cả các thí sinh đều cần điều chỉnh NV nên các em cần căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để đưa ra quyết định. Phải xác định điều chỉnh NV đây vừa là cơ hội nhưng cũng là rủi ro, thách thức nếu thấy điểm cao hơn so với dự đoán trước đó mà không căn cứ vào phổ điểm chung năm nay của nhiều khối thi cũng cao hơn so với năm trước như cảnh báo của Bộ GDĐT.
Chú ý “bẫy” điểm sàn thấp
Đây là lời khuyên của nhiều chuyên gia đối với các thí sinh có NV đăng ký xét tuyển vào ĐH năm nay. Trong khi phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 của nhiều khối thi cao hơn so với năm 2020. Song nhiều trường ĐH vẫn công bố lấy điểm sàn xét tuyển từ 15 điểm. Trong đó, không chỉ các trường ngoài công lập mà hàng loạt trường ĐH công lập cũng công bố mức điểm sàn 14-15 điểm với nhiều khoa, ngành của trường như ĐH Điện lực, ĐH Mỏ địa chất, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên)…
Nhiều trường có mức điểm sàn dao động khá nhiều giữa các khoa. Đơn cử như ĐH Giao thông Vận tải có ngưỡng điểm nhận hồ sơ từ 15-22 điểm, cao nhất là Khoa Công nghệ thông tin, Kỹ thuật ô tô…
Mặc dù các trường trong thông báo ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển đều cho biết đây là mức điểm tối thiểu của tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển cộng điểm ưu tiên (nếu có), chưa phải là điểm chuẩn. Song với tâm lý cầu may, trượt NV này sẽ xuống NV kế tiếp nên rất nhiều sĩ tử cho biết các em thoải mái sắp xếp các NV vào trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cảnh báo, chẳng hạn thí sinh đạt mức điểm 20 thì không nên đăng ký vào các ngành năm trước có điểm chuẩn 25 dù điểm sàn trường lấy vào chỉ bắt đầu từ 20 điểm. Đặc biệt những ngành có tỷ lệ NV đăng ký xét tuyển cao cũng đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh sẽ rất lớn.
Khi chọn trường, thí sinh cần quan tâm đến chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp và điều kiện khác như: Học phí, vị trí địa lý, cơ sở vật chất… của trường ĐH có đào tạo ngành mình yêu thích.
Thí sinh cần cân nhắc thật kỹ nếu thực hiện thay đổi NV đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ trong thời gian từ 29/8 đến 17h ngày 5/9/2021 theo thông báo mới nhất của Bộ GDĐT.