Tình trạng ngập nước và kẹt xe được coi là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của TPHCM. Chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình, thế nhưng hiệu quả thực tế vẫn là chấm hỏi lớn. Để giải quyết căn cơ hai vấn đề này, TPHCM đã triển khai một loạt giải pháp tích hợp đồng bộ và bền vững, song song với sự vào cuộc có trách nhiệm của chính quyền thành phố và sự chung tay, hợp sức từ người dân, doanh nghiệp.
Bàn đến kẹt xe và ngập nước ở TPHCM là hai vấn đề phức tạp, có liên quan đến nhiều yếu tố về hạ tầng, quy hoạch, quản lý đô thị, dân số, biến đổi khí hậu...
Về vị trí địa lý, thành phố nằm ở địa thế trũng thấp, đồng thời là trung tâm ảnh hưởng của triều cường. Hơn nữa, tình trạng biến đổi khí hậu, mưa lớn thường xuyên gây ngập úng. Hệ thống thoát nước đã cũ kỹ nhưng cải tạo chậm, khiến ứ đọng, ngập cục bộ kéo dài, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Cơ sở hạ tầng chống ngập chậm đưa vào hoạt động, trong đó có dự án đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” nhiều năm qua, càng khiến TPHCM gặp nhiều khó khăn để vừa chống ngập, vừa giảm kẹt xe.
Trong bối cảnh đó, TPHCM đã cố gắng đầu tư xây dựng nhiều loại hình giao thông đan xen, tích cực quy hoạch các khu đô thị mới… để giải quyết “cuốn chiếu” cho từng khu vực. Thế nhưng, các nỗ lực này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, trong đó quy hoạch thiếu đồng bộ, khiến điểm ngập cũ được giải quyết, lại phát sinh điểm ngập mới. Tương tự, khu vực vừa giảm được kẹt xe, lại phát sinh “điểm đen” kẹt xe mới do quá tải về quy hoạch nhà ở cao tầng.
Thực trạng này buộc từ năm 2021, UBND TPHCM đã quyết định triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các hệ thống giao thông và thoát nước cũ được chính quyền TPHCM nỗ lực cải tạo, nâng cấp.
Trong khi đó, trước vấn nạn kẹt xe ngày càng phức tạp, chiến lược đầu tiên của TPHCM là xây dựng hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, đồng thời triển khai hai tuyến đường sắt đô thị trên cao (Metro số 1, số 2). Bằng việc đầu tư mạnh mẽ vào các dự án Metro và xây dựng thêm các tuyến xe buýt nhanh, xe điện được TPHCM kỳ vọng tạo liên kết giữa các khu vực ngoại thành dẫn vào trung tâm thành phố. Điều này giúp giảm bớt phụ thuộc vào xe cá nhân, giải quyết triệt để kẹt xe.
Gần đây, TPHCM tiếp tục cải thiện kế hoạch hành động 10 năm kể trên bằng quy hoạch đô thị thông minh và nâng cao năng lực chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Giải pháp này tập trung vào phát triển các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị sáng tạo, khu công nghệ cao... Việc tập trung xây dựng đô thị thông minh, với việc ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, giúp thành phố ứng phó tốt hơn với cảnh báo sớm ngập úng và giải quyết kẹt xe.
Điển hình, việc sử dụng hệ thống đèn tín hiệu điều khiển thông minh, camera giám sát và các biện pháp quản lý giao thông bằng công nghệ đã điều tiết giao thông ở nội đô thành phố một cách linh hoạt và tối ưu. Từ năm 2024, nhiều luật mới được ban hành liên quan đến hạ tầng đô thị và quản lý đất đai, cũng kỳ vọng giúp TPHCM tăng cường thêm năng lực đáng kể để kiểm soát lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, hạn chế xây dựng tự phát, giải quyết hiệu quả các “điểm đen” ngập nước hoặc giao thông quá tải.
Có thể nói, giải quyết tình trạng kẹt xe và ngập nước ở TPHCM cần chiến lược tổng thể kết hợp nhiều giải pháp chuyên ngành và sự hợp sức liên ngành. Hơn nữa, việc nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, kết hợp vận dụng sáng tạo Nghị quyết 98 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ tạo ra thay đổi bền vững cho “đầu tàu” cả nước trong thời gian tới.