Không chỉ sử dụng để lợp mái nhà, mái bếp, nhiều hộ còn hứng nước mưa từ tấm lợp fibro - xi măng để sử dụng trong sinh hoạt; nhiều bản làng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vẫn sử dụng tấm lợp fibro - xi măng cho các căn nhà mới được dựng…
Người dân không nên sử dụng fibro - xi măng lợp mái nhà.
Để cảnh báo về những tác hại của việc sử dụng tấm lợp fibro - xi măng, những năm gần đây, Trung tâm Tư vấn, Chuyển giao khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường vùng dân tộc và miền núi (Học viện Dân tộc – Ủy ban dân tộc) đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền và phổ biến tới bà con dân tộc về vấn đề này, nhằm chia sẻ thông tin một số kết quả công ước của Hội nghị Công ước Rotterdam lần thứ 8 (COP8) và lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam vào năm 2020.
Trước những thông tin mà ông Phillip Hazelton - Chuyên gia Apheda Việt Nam chia sẻ về tác hại của amiăng cũng như việc các nước trên thế giới đã ngừng sử dụng amiăng như thế nào, nhiều người không khỏi lo ngại khi tấm lợp fibro - xi măng (có thành phần nguyên liệu là amiăng trắng) vẫn đang được sử dụng rất nhiều ở vùng nông thôn và miền núi nước ta.
Thực tế, bên cạnh việc thiếu thông tin về tấm lợp fibro - xi măng có chứa nguyên liệu amiang độc hại, tại nhiều bản làng vùng cao, bà con cũng không có nhiều sự lựa chọn bởi thị trường các sản phẩm thay thế tấm lợp fibro - xi măng chưa phát triển. Hơn nữa, giá bán của tôn lạnh và một số sản phẩm thay thế khác đang cao hơn 30 - 40% tấm lợp fibro - xi măng. Trong khi đời sống đại đa số người dân còn nghèo.
Đáng ngại hơn, nhiều đơn vị và cán bộ làm công tác dân tộc cũng chưa nhận thức đúng về tác hại của amiăng. “Thời gian qua, chúng ta đã chi cả 100 tỷ đồng mua tấm lợp fibro - xi măng để thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi. Rõ ràng, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rút ngắn lộ trình ngừng sử dụng amiăng đã có, nhưng thực tiễn thực hiện chưa đáng kể” - PGT.TS Trần Trung – Giám đốc Học viện Dân tộc nhìn nhận.
Là người tham gia Dự án “Nói không với amiăng” ở phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn từ những ngày đầu tiên, bà Hoàng Thị Tảo – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng Việt Bắc chia sẻ: Sau một vài buổi tập huấn, phát tờ rơi nói về tác hại của việc sử dụng tấm lợp fibro - xi măng, cả 30 hộ tham gia dự án đều nhất trí tháo dỡ tấm lợp fibro - xi măng đang dùng để thay thế bằng tôn lạnh, cho dù số tiền phải phụ thêm lên tới 10 - 20 triệu đồng (dự án chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ). Đáng mừng là, dự án đã có sức lan tỏa. Nhiều hộ không trong danh sách dự án, nhưng sau khi quan sát và được các hộ trong dự án chia sẻ cũng đã bắt đầu rục rịch thay thế tấm lợp fibro - xi măng bằng tôn lạnh. “Bà con chưa biết thông tin là amiăng nguy hiểm, nếu biết, tôi tin họ sẽ hạn chế sử dụng” – bà Tảo khẳng định.
Theo TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, những tác hại của amiăng đã được khẳng định rõ, thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để hệ thống cán bộ làm công tác dân tộc, người có uy tín biết về tác hại của amiăng, từ đó phổ biến, nâng cao nhận thức cho đồng bào trong việc lựa chọn vật liệu xây dựng an toàn. Đồng thời, UBDT nhất trí với các bộ, ngành trong việc tham gia trình Chính phủ các chính sách cấm sử dụng amiăng trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Cùng với đó, Thứ trưởng Phan Văn Hùng cũng đề nghị trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là hỗ trợ làm nhà, khuyến cáo hạn chế, tiến tới không sử dụng tấm lợp fibro- xi măng.