Có một số mẹo và kỹ thuật kiểm tra khi mua iPhone cũ để tránh nguy cơ hỏng hóc, mua phải hàng dựng, hàng bị thay thế linh kiện..., chất lượng không đảm bảo.
Tết Nguyên Đán 2021 đang gần kề, cũng là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm của thị trường tiêu dùng. Trong đó, iPhone luôn là một trong những "đích ngắm" của người tiêu dùng Việt.
Hiện tại, người dùng không cần có quá nhiều tiền mới mua được iPhone. Với sự đa dạng hóa của thị trường, các nguồn hàng iPhone cũ, đã qua sử dụng hay iPhone khóa mạng đã phổ biến hơn, giá cũng rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mua iPhone cũ vẫn luôn là một "canh bạc", vì người dùng đối mặt với nguy cơ hỏng hóc, mua phải hàng dựng, hàng bị thay thế linh kiện... có chất lượng không đảm bảo.
Dưới đây là một số lưu ý để có thể mua được một chiếc iPhone cũ chất lượng tốt, hợp túi tiền.
Bước 1: Kiểm tra ngoại hình
Người dùng khi mua iPhone cũ cần kiểm tra cẩn thận hình thức của máy, đặc biệt để ý tới 4 góc viền của sản phẩm xem có bị bóp méo, bị xước nhiều hay không. Kiểm tra các đường ghép nối, cổng sạc
Ngoại hình của máy bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, còn giúp bạn phần nào xác định được chất lượng bên trong điện thoại. Nếu máy có quá nhiều vết móp do rơi hoặc va chạm, đồng nghĩa với việc các linh kiện bên trong sẽ ít nhiều bị tổn hại.
Bước 2: Kiểm tra độ phản hồi của nút
Các nút cứng bao gồm nút Home trên các model cũ, nút tăng giảm âm lượng, nút nguồn... sẽ gắn liền với trải nghiệm trong suốt quá trình sử dụng máy của bạn.
Do đó, cần kiểm tra kỹ các nút này trước khi mua, để xem chúng có nhạy hay không, độ nảy có tốt không. Tránh mua các máy có nút cứng, khó ấn, bị kênh, lệch sang 1 bên, hoặc có độ nảy không cao.
Bước 3: Kiểm tra iPhone đã thay màn hình hay chưa
Có một mẹo rất hữu ích khi kiểm tra iPhone cũ để biết được chất lượng màn hình, đó là sử dụng khe SIM.
Cụ thể, người dùng có thể tháo khay SIM của iPhone ra và nhìn vào khe SIM, sau đó bật màn hình sáng lên. Nếu khe SIM không bị hở sáng thì có khả năng cao là máy "chuẩn" và chưa thay màn hình.
Bước 4: Kiểm tra cảm ứng
Lỗi cảm ứng màn hình và "điểm chết" là những vấn đề hay xuất hiện trên điện thoại / máy tính bảng cũ.
Để kiểm tra cảm ứng, bạn giữ ngón tay vào một biểu tượng bất kỳ trên màn hình để đưa chúng vào trạng thái di chuyển (các biểu tượng "rung rung" và có 1 dấu "x" nhỏ bên trên).
Lúc này, nhấn giữ biểu tượng và di chuyển nó trên toàn bộ bề mặt màn hình từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Nếu ở một vị trí nào đó mà biểu tượng này dừng lại thì có thể cảm ứng ở đó có vấn đề.
Còn đối với "điểm chết", chúng ta cần bật màn hình đen, hoặc màn hình trắng toàn bộ. Sau đó nhìn lần lượt từ trên xuống dưới xem có điểm ảnh nào bị cháy (biến dạng về màu sắc) hay không.
Bước 5: Kiểm tra mã sản phẩm (số IMEI, phiên bản iPhone)
Kiểm tra IMEI và phiên bản iPhone luôn là thao tác quan trọng mỗi khi mua iPhone cũ và đã qua sử dụng. Mục đích là hạn chế việc iPhone bị thay vỏ, và đảm bảo rằng các chi tiết bên trong không bị thay thế.
Theo đó, người dùng cần kiểm tra xem IMEI của máy ở bên trong hệ thống xem có chính xác với số IMEI ngoài vỏ máy hay không. Để làm điều này, vào "Cài đặt > Cài đặt chung > Giới thiệu" và kéo xuống dòng IMEI để xem.
Bước 6: Kiểm tra khóa iCloud
Một số cửa hàng hiện nay vẫn bán iPhone khóa iCloud, tức là những chiếc iPhone không nhớ mật khẩu iCloud, hoặc là hàng đánh cắp, do đó trên máy vẫn còn lưu iCloud cũ.
Để hạn chế mua phải những máy này, người dùng cần truy cập vào mục iCloud để xem máy có đăng nhập tài khoản hay chưa. Ngoài ra, cũng có thể khôi phục cài đặt gốc để loại trừ việc mua nhầm những chiếc iPhone này.
Bước 7: Kiểm tra các tính năng cơ bản
Khi mua iPhone cũ, cần lưu ý kiểm tra chất lượng loa ngoài, loa thoại, khả năng bắt sóng Wi-Fi, camera, cảm biến vân tay/Face ID. Nếu như bạn có kỹ năng, đây sẽ là những bước khá cơ bản. Còn nếu là một người dùng chưa có kinh nghiệm, bạn có thể cài đặt ứng dụng đề xuất mang tên TestM.
TestM là ứng dụng được đề xuất bởi nhiều trang công nghệ quốc tế. Nó cung cấp 26 bài chẩn đoán các thành phần quan trọng của iPhone, từ kiểm tra máy ảnh, màn hình cảm ứng, micro, phản hồi xúc giác, cho đến bài thử nghiệm nặng khiến máy tụt pin nhanh và tỏa nhiệt.
Một bài kiểm tra đầy đủ trên ứng dụng có thể mất khoảng 20 phút và cần tương tác nhất định của người dùng. Ví dụ, bạn sẽ được yêu cầu chuyển sang từng bài kiểm tra, một số bài kiểm tra liên quan đến việc lắng nghe âm thanh, chạm vào máy và đưa ra phản hồi.
Với 7 bước nêu trên, bạn đọc đã được trang bị những kiến thức căn bản để chọn mua iPhone cũ phù hợp túi tiền trong dịp mua sắm cận Tết, cũng như loại bỏ nguy cơ mua phải iPhone dựng, iPhone khóa iCloud, iPhone mất tính năng, có chất lượng không đảm bảo.